Năm 2018, chúng ta đọc tin buồn về Tahlequah (ký hiệu J35), một con cá voi sát thủ sống tại vùng Southern Resident thuộc khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương: nó mang đứa con chết yểu trong bụng suốt hai tuần, Tahlequah đau buồn vì cái chết của cá voi con nhưng không nỡ bỏ nó dù cái xác đã bắt đầu phân hủy.

Giờ là năm 2020, ta đọc tin vui về Tahlequah: nó đang mang thai!

Kích cỡ cơ thể con cá voi sát thủ thay đổi: nó đã mang thai!

Các nhà nghiên cứu tại Hội liên hiệp Môi trường Southall (SEA) và SR3, hai nhóm hoạt động vì môi trường tập trung vào nghiên cứu và theo dõi sinh vật biển, công bố một loạt ảnh mới cuối tuần vừa rồi: những con cá voi sát thủ vùng Southern Resident vốn trong diện nguy hiểm đang mang thai trở lại, trong đó có Tahlequah.

Đây là tin vui bởi tính tới cuối năm ngoái, lượng cá voi sát thủ nơi đây chỉ vỏn vẹn 73 cá thể; các nhà nghiên cứu nói rằng số sinh vật đáng thương này đang đứng trước “sự kiện diệt chủng loài” do áp lực từ con người. Thức ăn chính của Tahlequah và đồng loại là cá hồi chinook, một loài cá cũng đang trong diện nguy hiểm do môi trường sống bị phá hủy và bị đánh bắt quá mức. Bên cạnh suy dinh dưỡng, hai yếu tố khác khiến số lượng cá thể cá voi sát thủ Southern Resident giảm mạnh là ô nhiễm âm thanh vùng biển và độc tố xả xuống do hoạt động của con người.

Talehqua mang theo xác cá voi con suốt 17 ngày trời.

Lúc này, hành động giúp đỡ dù nhỏ tới đâu cũng giúp quần thể cá voi sát thủ ít ỏi dễ thở hơn. Thời gian mang thai của cá voi sát thủ có thể kéo dài tới một năm rưỡi, và con cá voi con sẽ ngay lập tức trở thành thành viên của đàn cho tới khi nó chết. Do thời gian mang thai dài, số lượng cá voi sát thủ khó có thể tăng nhanh, và việc sảy thai diễn ra ngày một thường xuyên do con mẹ thiếu dinh dưỡng và môi trường thiếu thức ăn. Khi Tahlequah mang theo cái xác con cá voi con suốt 17 ngày, các nhà khoa học ngạc nhiên vô cùng và đưa nhận định: cá voi sát thủ cũng biết đau lòng. Lần mang thai mới của Tahlequah khiến các nhà khoa học hy vọng vào một tương lai sáng sủa hơn.

Việc chúng mang thai luôn là tin tốt. Tôi đặt nhiều hy vọng vào J35”, Deborah Giles, nhà sinh vật học tới từ Trung tâm Bảo tồn Sinh vật thuộc Đại học Washington cho hay. Tuy nhiên, cô cũng khẳng định những kỳ vọng của mình cũng đi kèm chút cảnh giác: cô hiểu rõ quá trình mang thai dài sẽ khó khăn ra sao, và thể trạng không tốt của cá voi vùng biển này, của Tahlequah và những “bà mẹ” khác, sẽ là trở ngại không nhỏ.

J50, một con cá voi sát thủ khác trong quần thể Southern Resident đang bơi cùng chị em của mình.

Sử dụng drone để theo dõi cá voi sát thủ mà không ảnh hưởng tới môi trường sống của chúng, các nhà nghiên cứu nhận ra những thay đổi nơi cơ thể những con cá: kích cỡ thân mình tăng đồng nghĩa với việc chúng mang thai! Giờ chúng cần không gian sống rộng và thêm thật nhiều thức ăn để đảm bảo thai kỳ ổn định. Đã có nhiều nơi kêu gọi chính quyền địa phương nhân giống cá hồi để đảm bảo nguồn lương thực dồi dào cho đàn cá voi sát thủ Southern Resident.

Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng tới nhiều quần thể sinh vật, các nhà khoa học nghi ngờ rằng đó là một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng cá hồi chinook giảm mạnh và khiến cá voi sát thủ mất nguồn thức ăn, từ đó suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, đầu năm ngoái, cá voi ở khu vực Bắc Đại Tây Dương đã sinh sản thành công, cho thấy dấu hiệu tích cực để ta chờ tin tốt.

Theo GenK