Hình ảnh đông đúc ở bãi biển (Bà Rịa -Vũng Tàu), Thảo Cầm Viên (TP.HCM), các điểm vui chơi, các quán ăn trong dịp lễ vừa qua, đã chứng minh nhịp sống năng động đang trở lại. Các doanh nghiệp đi vào sản xuất. Học sinh cả nước trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài bất đắc dĩ.

Tuy nhiên, Covid-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm), chưa được chuyển thành bệnh truyền nhiễm nhóm B (nguy hiểm) hay bệnh lưu hành.  

Trong hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch, 5K được xem là tấm khiên vững chắc, gồm: khoảng cách, khử khuẩn, khẩu trang, không tụ tập, khai báo y tế. Thông điệp 5K được Bộ Y tế đưa ra hồi tháng 8/2020, trong bối cảnh cộng đồng chưa được chích vắc xin ngừa Covid-19.

Thông điệp 5K.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, 5K đã không còn phù hợp sau 2 năm. Nhất là khi, độ phủ vắc xin Covid-19 của Việt Nam cao, rất nhiều người có miễn dịch tự nhiên. Tới đây, nhóm trẻ từ 5-11 tuổi được chủng ngừa, nền miễn dịch lại càng được củng cố. 

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, 5K lúc này rút xuống 2K: khử khuẩn (rửa tay) và khẩu trang là đủ. Hiện nay, số ca nhiễm đã giảm sâu trên toàn quốc, Việt Nam không theo đuổi mục tiêu Zero Covid-19 mà là thích ứng an toàn. Quan trọng vẫn là phủ vắc xin và bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ (để giảm ca nặng và ca tử vong). 

“Ba chữ K kia có thể bỏ vì không còn phù hợp”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Trong khi đó, nhiều người dân cũng bày tỏ sự bất tiện trước yêu cầu khai báo y tế các điểm vui chơi, du lịch và nhất là tại bệnh viện.

“Tôi đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng 2, yêu cầu phải khai báo y tế khiến cả trăm người dồn ứ, nóng nực. Không phải phụ huynh nào cũng biết dùng PC-Covid hay có smartphone khai báo nên vất vả. 

Thành phố đâu còn truy vết F0, F1, F2 như xưa, người lớn cũng tiêm đủ vắc xin theo quy định rồi. Nếu bớt được thủ tục này, cha mẹ và trẻ nhỏ cũng bớt mệt mỏi nhiều", chị N.T.M (33 tuổi, quận 1, TP.HCM) chia sẻ.

Phụ huynh chờ khai báo y tế tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.

Còn PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, 5K không chỉ hiệu quả trong phòng ngừa Covid-19 mà còn ngăn ngừa các bệnh như cúm, hen suyễn, tay chân miệng…lây lan (bằng khẩu trang, khử khuẩn và khoảng cách).

“Phải khẳng định 5K là tốt. Tuy nhiên, thời điểm này 5K không còn là thiết yếu vì làn sóng dịch đã đi xuống, số ca nhiễm hiện tại giảm rất thấp”.

Ông cũng xác nhận, tiêu chí không tụ tập, giữ khoảng cách lúc này là… không thể vì các hoạt động sản xuất, học tập, du lịch, giải trí đều trở lại. Điều đáng mừng là người dân đã quen với việc đeo khẩu trang ở nơi đông người, ở bệnh viện hoặc khi tiếp xúc với người lạ. Tuy nhiên, trong môi trường làm việc hoặc học tập, đeo khẩu trang có thể gây cản trở. 

Ví dụ, trẻ nhỏ khi đến lớp, cần gỡ khẩu trang để dễ thở và biểu hiện được nét mặt khi giao tiếp; diễn giả cần tháo khẩu trang để phát biểu rõ ràng….

Bên cạnh đó, rửa tay từ lâu đã được xem là phương pháp phòng bệnh rẻ tiền nhưng hiệu quả, ngăn ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, duy trì khử khuẩn, khẩu trang hoàn toàn có lợi cho người dân. “Theo cá nhân tôi, 5K nên khuyến khích chứ không phải bắt buộc”, PGS Dũng chia sẻ.

Đầu tháng 3 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, ngành y tế cần có hướng dẫn về phòng chống dịch phù hợp hơn với thực tế, tránh tình trạng có quy định nhưng không thực hiện được. 

Ông Nên dẫn chứng, quy định 5K về khoảng cách, quy định không tập trung không còn phù hợp...cần có điều chỉnh để khả thi hơn. Bởi TP.HCM đang trong giai đoạn "bình thường mới”, các cơ quan, doanh nghiệp đều hoạt động trở lại, các trường học đã đón học sinh. Tuy nhiên, đến nay, ngành y tế TP.HCM vẫn đang chờ các hướng dẫn, điều chỉnh của Bộ Y tế để triển khai. 

Linh Giao

F0 không được ra khỏi nơi cách ly: Quy định một đằng, thực tế một nẻo

Bộ Y tế khẳng định F0 không được ra khỏi nhà, chỉ được ra khỏi phòng cách ly với điều kiện đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách. Tuy nhiên, thực tế có như vậy?