Ngày 28/5, khoa Cấp cứu và hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay đơn vị này gần đây mới tiếp nhận 2 nam thanh niên chưa đến 20 tuổi vào viện vì đau tinh hoàn.
Cả hai đều có tiền sử hoàn toàn khoẻ mạnh, được chẩn đoán là xoắn tinh hoàn, nhưng trong hai bệnh cảnh khác nhau nên hướng can thiệp và kết quả cũng khác nhau.
Trường hợp thứ nhất là nam 19 tuổi, vào viện vì đau vùng bìu phải, ngày thứ 3. Nam thanh niên có tiền sử khỏe mạnh. Cách vào viện 3 ngày, tinh hoàn phải của anh đau nhẹ âm ỉ, không sốt, không có rối loạn đại tiểu tiện.
Sau 1 ngày, anh đi khám ở phòng khám tư, được chẩn đoán là viêm tinh hoàn và cho đơn thuốc về nhà uống. Tuy nhiên bệnh nhân không đỡ đau nên đã vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám.
Khi thăm khám, bác sĩ nhận thấy tinh hoàn phải của anh có kích thước lớn, ấn đau chói. Bệnh nhân được chỉ định siêu âm tinh hoàn kèm doppler, kết quả cho thấy tinh hoàn và mào tinh hoàn phải giảm âm lan tỏa, mất tín hiệu mạch trên doppler.
Bệnh nhân được chẩn đoán xoắn tinh hoàn ngày thứ 3, chỉ định mổ cấp cứu. Tuy nhiên khi mổ ra, tinh hoàn phải đã hoại tử tím đen do xoắn trong bao thừng tinh 2 vòng. Phẫu thuật viên đành phải cắt tinh hoàn phải của bệnh nhân.
Ca thứ hai là nam 18 tuổi. Anh này kể nửa đêm đang ngủ chợt thấy đau chói vùng bìu bên phải. Ngay lập tức anh vào viện ngay, vào giờ thứ 2 sau đau.
Cũng được siêu âm tinh hoàn kèm doppler mạch như ca thứ 1, kết quả cho thấy tinh hoàn phải to, lệch trục, giảm tưới máu trên doppler, tuy nhiên nhu mô tinh hoàn chỉ giảm âm nhẹ, không đồng nhất.
Với chẩn đoán xoắn tinh hoàn giờ thứ hai, bệnh nhân ngay lập tức được đẩy thẳng phòng mổ để can thiệp, nhanh như một cấp cứu đột quỵ hoặc cấp cứu đa chấn thương. Sau khi tháo xoắn, tinh hoàn đã hồng ấm trở lại và bệnh nhân giữ được tinh hoàn phải.
Các bác sĩ cho biết, xoắn tinh hoàn là sự xoắn của thừng tinh (cuống tinh hoàn) bao gồm mạch máu nuôi tinh hoàn dẫn đến tinh hoàn bị thiếu máu và hoại tử.
Bệnh thường gặp ở quanh tuổi dậy thì (chiếm hơn 60%) với triệu chứng thường là đột ngột đau chói tinh hoàn một bên. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ đau nhẹ tinh hoàn giống như là viêm tinh hoàn vì vậy rất dễ chẩn đoán nhầm. Đối với bác sĩ cấp cứu hay nam học tiết niệu, xoắn tinh hoàn là bệnh lý tối cấp cứu như đột quỵ, sốc đa chấn thương. Nếu không nhanh chóng giải phóng xoắn trong 6 giờ đầu tiên, bệnh nhân có nguy cơ cao bị cắt tinh hoàn.
Nam giới nếu thấy có dấu hiệu đau vùng bìu một bên cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám và chẩn đoán kịp thời, chính xác. Thực tế, khả năng “cứu sống” tinh hoàn khá cao đối với các bệnh nhân đến sớm trước 6 giờ, lên đến 90-100%. Tỷ lệ bảo tồn thành công tinh hoàn giảm xuống dưới 50% nếu bệnh nhân đến sau 12 giờ và đặc biệt dưới 10% nếu bệnh nhân đến sau 24 giờ.
Thanh Hiền
Nam sinh sau một đêm ngủ dậy cảm thấy đau dữ dội vùng bìu, cảm giác đau tăng khi sờ vào, tinh hoàn trái nằm cao hơn bình thường và kém di động so với tinh hoàn phải.