Ấy vậy mà ai đó lại đem so pháo hoa giao thừa, mỗi năm chỉ chờ đợi có một lần “quy ra” tương đương bao nhiêu tấn gạo, mấy trường học, mấy cầu treo ở đâu đó. Thoạt nghe thì đúng nhưng ngẫm kỹ thì… cũ quá.

Về quê ăn Tết, gặp lại rất nhiều bè bạn, người thân. Chuyện gần xa, đông tây kim cổ được xới lên, bàn luận rôm rả quanh chén rượu nức tiếng của làng. Có ông bạn lâu nay thành đạt, mồm miệng tép nhảy, được ví  “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” gặp nhau cứ liên thanh đủ chuyện:

***

Thứ nhất, chuyện tỉnh nghèo và… bắn pháo hoa “vãi gạo lên trời”.

Rằng, tỉnh nghèo vì tỷ lệ hộ nghèo còn lớn. Nhưng không thể nói tỉnh nghèo thì không có nhiều… hộ giàu, thậm chí rất giàu. Đó là chuyện bình thường. Bây giờ và mai này nữa sẽ không có chuyện bình quân như nhau, nghèo cả làng cả xã cả huyện rồi cả tỉnh như một thời chúng ta “phấn đấu” và cứ cố bám riết lấy điều này.

Cần thiết và thực tế đã xuất hiện rất nhiều hộ giàu, tấm gương làm giàu ở quê, ở trong và ngoài tỉnh, ngoài nước, kích thích sự vươn lên của cả làng, cả xã cả huyện cả tỉnh. Cái đích là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, càng nhanh càng tốt, càng ít chênh lệch càng thành công.

Nói thế để thấy tỉnh nghèo có nơi còn nhiều khó khăn nhưng cũng có nơi khấm khá. Nơi khó khăn thì phải tập trung chăm lo từ thực hiện chế độ chính sách cho gia đình chính sách và hộ nghèo (kể cả xin trợ cấp của Nhà nước) cho tới việc vận động quyên góp ủng hộ.

(Xóm tớ đây, trước tết đã lập đầy đủ danh sách hộ nghèo, hộ thiếu đói báo cáo lên xã, xã giao trách nhiệm vận động cộng đồng, đảm bảo mọi người mọi nhà đều có tết. Việc này đã thành truyền thống, thành thông lệ và tự nguyện tự giác của cả làng cả xã cả huyện cả tỉnh bao năm nay rồi. Cán bộ địa phương không biết dân đói dân no thế nào chắc chắn không có chỗ ngồi ở trụ sở xã, huyện?)

Đến năm thứ 16 của thế kỷ XXI mà còn nói “cái nồi không” của người nghèo trong dịp tết e là quan liêu kiểu ngồi trên giời vẽ chính sách, chưa hề bước chân xuống thực tế sinh động tẹo nào.

Lo chu tất, trọn vẹn cho hộ nghèo, hộ thiếu đói, thiết tưởng việc lo cho khu vực khấm khá một cái tết khang trang hơn lại không đáng phải làm hay sao?

Bao nhiêu năm nay, từ ngày đất nước thống nhất, lúc khó lúc thuận, tết năm nảo bà con vùng thành thành phố và phụ cận chẳng nô nức đi đón xem pháo hoa giờ phút đón giao thừa, giờ phút giao hòa của đất trời, vạn vật, lòng người…

Kích thích, khuyến khích vùng giàu, người giàu đã giàu lại càng giàu hơn là việc ở đâu và bất cứ lúc nào cũng đều nên làm, phải làm, đáng làm.

Bắn pháo hoa ở các thành phố lớn theo truyền thống, các trung tâm kinh tế phát triển, các vùng giàu… dịp tết, lễ hội là việc “xưa như trái đất”.

(Tất nhiên ai chẳng biết là phải tiết kiệm, không được “vãi gạo lên trời”, phải biết chăm lo trọn vẹn cho vùng nghèo, người nghèo và tuyệt nhiên không vừa xin trợ cấp vừa tổ chức bắn pháo hoa! Khi “ông” sát tết mới ngồi lo xa thế thì người ta đã phân công nhau đảm đương nhiệm vụ từ… nhiều nhiều nhiều năm nay rồi!)

{keywords}

Pháo hoa mỗi năm chỉ chờ đợi có một lần. Ảnh minh họa: Lê Trường/ NLĐ

Thứ hai, rằng thì tết là ngày đặc biệt, tết không bao giờ là ngày thường! Cách nghĩ, cách lo, cách chi tiêu vì vậy không thể hệt như ngày thường.

Tết với công chức, viên chức và người lao động có lương tháng thứ mười ba, mười bảy, có thưởng nọ, lậu kia, lộc này, có cái mà lo sắm tết. Cha mẹ tôi nhà nông thì vỗ cám đàn lợn, đàn gà, ao cá… tất tần tật thu hoạch vào dịp tết.

Cũng chỉ tết người ta mới sẵn lòng bỏ ra mấy triệu, mấy trăm sắm một chậu hoa đẹp để biếu, để trang hoàng trong nhà. Nhà nghèo đến mấy thì ngày xưa cũng cố sắm cho con cái áo mới (ngày thường thì cả lũ… ở trần!), chưa kể thịt mỡ, dưa hành, câu đối, ngày nay lại càng “bạo chi” hơn. Gia đình thế, thì xã hội cũng thế, chứ sao?

Ấy vậy mà ai đó lại đem so pháo hoa giao thừa, mỗi năm chỉ chờ đợi có một lần, nao nức cả phố cả phường “quy ra” tương đương bao nhiêu tấn gạo, mấy trường học, mấy cầu treo ở đâu đó? Thoạt nghe thì đúng nhưng ngẫm kỹ thì… cũ quá, xa quá.

Bao nhiêu năm thực hiện chương trình xóa nhà dột nhà tạm, xóa bản trắng trường lớp… từ Nhà nước cho tới mọi đoàn thể tham gia, nay chưa xong hay cơ bản xong thì lỗi/nguyên nhân không bao giờ ở/do pháo hoa giao thừa.

(Tớ dạo nọ lên huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn – Nghệ An, xin hỗ trợ làm trường học, huyện báo cáo chờ tìm điểm trường mới, vì cơ bản làm xong! Rằng thì là cơ bản xóa nhà dột, nhà tạm, trường học tạm rồi nhé).

Vấn đề của nghèo đói hay giáo dục, giao thông miền núi, vùng sâu vùng xa đâu chỉ là đơn giản là một… màn pháo hoa trong dịp tết của một tỉnh đang cố vươn lên thoát nghèo?

Và người khá, vùng khá, vùng giàu của một địa phương không xứng đáng được đón tết hội nhập một cách khang trang, thịnh vượng, không thua em kém chị hay sao?

***

Không có điều kiện “kiểm chứng”, thôi thì cứ kể ra đây như câu chuyện phiếm những ngày đi làm đầu xuân chưa có nhiều việc bận bịu như dịp cuối năm chạy đôn chạy đáo tắc đường rét mướt gió mưa..

Ông bạn vừa “tép nhảy” nhà này đã lại khua khoắng nhà kia. Lại hứa tết về quê nói chuyện đông tây kim cổ, chuyện cống rãnh sóng sánh đại dương,…

Chả biết đúng sai, được hưởng ứng hay bị ném đá thế nào. Nghe nói rượu tây biếu tặng vòng quanh hết, đại gia này chỉ mê món quốc hồn quốc túy nấu từ men lá và nước giếng làng, mới chạm môi đã nồng say đến tận tâm can…

Chọ Hao mồng 6 Tết Bính Thân 2016

Châu Phú