Loạn giá

Chị Nguyễn Thị Tuyết (Q.Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chị nghe lời bạn bè, đồng nghiệp mách rằng, sau khi bị Covid-19, ăn đông trùng hạ thảo sẽ giúp phục hồi sức khoẻ nhanh, đặc biệt là có tác dụng đến phổi và hệ hô hấp. "Cả gia đình tôi gồm 5 thành viên vừa trải qua một đợt mắc Covid-19. Tuy cả nhà đã khỏi nhưng bố mẹ tôi thì thấy sức khoẻ giảm rõ rệt. Trẻ con và người lớn trong nhà cứ húng hắng ho suốt. Vậy nên tôi mạnh tay chi tiền mua đông trùng hạ thảo cho cả gia đình dùng", chị Tuyết chia sẻ. Chi cả tháng lương hơn chục triệu đồng để mua đông trùng hạ thảo sử dụng mà chị Tuyết không rõ chất lượng có được như quảng cáo hay không. "Nghĩ lại tôi vẫn thấy mình liều lĩnh nhưng đã trót mua rồi chả lẽ lại bỏ đi", chị Tuyết băn khoăn.

Tương tự, anh Nguyễn Trường Sơn (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) kể: "Bố mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi, vừa phải trải qua đợt điều trị Covid-19 nên sức khỏe khá yếu. Tôi đã nhờ mối quen đặt mua đông trùng hạ thảo về cho hai cụ dùng nhưng cả tuần vừa rồi, cả đông trùng hạ thảo khô nhập khẩu đến đông trùng hạ thảo tươi nuôi trồng trong nước đều khan hàng nên bị đẩy giá lên cao". Anh Sơn cho biết, anh vừa chi 8 triệu cho 10g đông trùng hạ thảo.

Qua tìm hiểu của PV, thị trường đông trùng hạ thảo đang trong tình trạng loạn giá. Đặc biệt, người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt hàng thật - giả. Hiện nay, loại đông trùng hạ thảo Tây Tạng có giá từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/10g. Đặc biệt, có loại hàng giá từ 12 triệu đến 15 triệu đồng/10g, tương đương hơn 1 tỷ đồng/kg. Tuy có giá cao nhưng thời điểm này hàng luôn trong tình trạng khan hiếm, giá thành bị đẩy cao. Tuy vậy, mặt hàng này hầu hết không được nhập khẩu chính ngạch, hoặc số lượng rất nhỏ nên người tiêu dùng chỉ tin vào uy tín của người bán.

Song song với nguồn đông trùng hạ thảo được quảng cáo "tự nhiên, nhập từ Trung Quốc", nguồn đông trùng hạ thảo nuôi cấy tại Việt Nam cũng được chào bán với nhiều mức giá, dao động từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/kg, hoặc 50-70 triệu đồng/kg, khiến người tiêu dùng rất khó lựa chọn.

Tỉnh táo khi mua đông trùng hạ thảo bồi bổ hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Người tiêu dùng nên mua đông trùng hạ thảo ở cơ sở có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc hợp pháp. Ảnh minh họa

Cách phân biệt thật - giả

Chị Nguyễn Thu Huyền (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), một nhà phân phối đông trùng hạ thảo tại Hà Nội, đã đưa ra lời cảnh báo về chuyện "rác thuốc" từ đông trùng hạ thảo. "Dù chưa chứng minh được rõ ràng nhưng đã có chuyện đông trùng hạ thảo nhập khẩu về Việt Nam chỉ còn "xác" vì đã bị chiết xuất, hút hết tinh chất. Số tiền người tiêu dùng bỏ ra không ít mà lại mua phải "xác khô" chẳng có tác dụng gì", chị Huyền cho biết. Chị Nguyễn Thu Huyền đã chia sẻ một số phương pháp để chọn đông trùng hạ thảo chất lượng, như sau:

- Quan sát trực tiếp: Đông trùng hạ thảo thật sẽ có đầu sâu non và đầu thảo gắn một cách tự nhiên, không nhìn thấy vết nối giữa 2 bộ phận này. Đông trùng hạ thảo thật dạng sâu sẽ có nhiều vân, cứ 3 vân thì làm thành một gấp và được xếp thành hàng. Đông trùng hạ thảo giả vì do dùng khuôn tạo ra nên các nếp gấp thường giao nhau bằng phẳng. Hàng thật sẽ thấy đường vân rõ nét, ở giữa có lõi màu đen giống hình chữ V còn hàng giả sẽ không có dấu hiệu này.

- Mùi vị: Đông trùng hạ thảo thật sẽ có mùi giống mùi nấm rơm và đậm mùi tanh của nấm hương. Sản phẩm giả sẽ không có các mùi này. Đông trùng hạ thảo thật khi nhai trực tiếp trong miệng sẽ có mùi thơm, càng nhai càng thơm còn nếu là sản phẩm giả sẽ thấy nó có mùi nồng, giống bột đất sét và thấy cứng.

- Trọng lượng: Khi bạn cầm đông trùng hạ thảo thật trên tay và lắc nhẹ sẽ cảm giác nhẹ như cỏ khô nhưng nếu cảm giác nặng thì đó là đông trùng hạ thảo giả.

Cũng theo chị Nguyễn Thu Huyền, khách hàng không nên mua đông trùng hạ thảo bằng… niềm tin, mà nên lựa chọn cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, địa chỉ rõ ràng, có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc hợp pháp, hoặc những nơi đã được kiểm nghiệm bởi Bộ Y tế.

Trẻ em không nên dùng đông trùng hạ thảo

TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, cho rằng, khi trẻ đang mắc Covid-19, không nên tẩm bổ bằng đông trùng hạ thảo mà chỉ nên tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, ăn thêm các bữa phụ. Tăng cường cho trẻ uống sữa, nước hoa quả… Ngay cả khi trẻ đã khỏi Covid-19, cha mẹ cũng không nên dùng đông trùng hạ thảo vì có thể khiến trẻ bị chảy máu cam. Nguyên nhân là do cơ thể trẻ em có tính nhiệt nhiều hơn so với hàn, trong khi sâm và đông trùng hạ thảo đều là những bài thuốc nóng nên không phù hợp để tẩm bổ cho trẻ.

Theo Phụ nữ Việt Nam