Chủ trì Phiên họp toàn thể lần Thứ Sáu của Ủy ban Quốc gia APEC 2017 (sáng 21/12), Phó Thủ  tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã nhấn mạnh, tổ chức các hoạt động của Năm APEC 2017 theo chủ trương tiết kiệm, không phô trương và tăng cường xã hội hóa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị phiên họp tập trung làm rõ những công việc đã hoàn thành cũng như những khó khăn, thách thức và các bài học kinh nghiệm trong cả năm chuẩn bị vừa qua.

{keywords}
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh

Sau khi nghe Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia, trình bày báo cáo tổng kết trên tất cả các mảng công tác, cũng như ý kiến đóng góp của đại diện các Tiểu ban, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minhđánh giá cao các bộ, ngành thành viên của Ủy ban đã nắm bắt kịp thời xu thế quốc tế và quan tâm của các nền kinh tế thành viên để từ đó đề xuất chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và 4 hướng ưu tiên của Việt Nam về tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME); và Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biển đổi khí hậu, được sự ủng hộ rộng rãi của các thành viên.

Công tác chuẩn bị được khởi động sớm và chủ động trên tinh thần tận dụng hiệu quả các cơ sở vật chất sẵn có, tăng cường xã hội hóa. Nhờ đó việc tổ chức các hoạt động khởi động là Hội thảo về các ưu tiên và Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM) vừa qua tại Hà Nội đã được các thành viên đánh giá cao, bảo đảm chu đáo, trọng thị và tiết kiệm.

Công tác tuyên truyền báo chí được tiến hành kịp thời, với nhiều ý tưởng sáng tạo, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người cũng như các tiềm năng kinh tế, du lịch… của Việt Nam tới bạn bè quốc tế và khu vực, thu hút sự quan tâm rộng rãi của giới truyền thông. Đội ngũ của chúng ta cũng từng bước được kiện toàn, bước đầu được trải nghiệm thực tế các hoạt động của APEC.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục thời gian tới để triển khai hiệu quả các hoạt động năm APEC 2017. Trong đó đặc biệt lưu ý là sự tham gia còn thiếu chủ động và tích cực của các doanh nghiệp Việt Nam trong các sự kiện của APEC.

Ông dẫn chứng, sự kiện Đối thoại APEC và Doanh nghiệp Việt Nam về Năm APEC Việt Nam 2017 tổ chức ngày 9.12 vừa qua tại Hà Nội, trong khi rất đông doanh nghiệp nước ngoài tham gia thì số lượng doanh nghiệp của ta lại khá ít ỏi và còn chưa tích cực đóng góp vào hội nghị. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tổ chức sự kiện APEC là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các doanh nghiệp của 20 nền kinh tế khác trong APEC, do đó đòi hỏi chúng ta phải tăng cường hơn nữa tính tích cực và chủ động.

{keywords}

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2017 dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến mới, các bộ, cơ quan và tỉnh, thành phố thành viên Ủy ban Quốc gia cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, chủ động và tích cực hơn nữa trong nghiên cứu, đánh giá tình hình và tăng cường trao đổi thông tin để đảm bảo năm APEC 2017 thành công trên tất cả các mặt nội dung, lễ tân, tổ chức, vật chất hậu cần, truyền thông…

Chính phủ đã lập ra Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Năm APEC 2017 bao gồm 5 Tiểu ban: Tiểu ban Nội dung; Tiểu ban Vật chất và Hậu cần; Tiểu ban An ninh và Y tế; Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa; Tiểu ban Lễ tân.

Tất cả 5 tiểu ban này cùng với Ủy ban Quốc gia và Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 đã sẵn sàng chuẩn bị tất cả các hoạt động. Đây sẽ là nhân tố then chốt trong công tác tổ chức các hoạt động của Năm APEC 2017.

Sẽ có gần 200 hoạt động sẽ diễn ra trong suốt cả năm 2017, trong đó có Tuần lễ cấp cao vào tháng 11 tại Đà Nẵng, Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của nước ta trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Tháng 3/2017, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM 1) và các cuộc họp liên quan sẽ diễn ra tại thành phố Nha Trang.

Bích Thủy