Trong thời đại công nghệ số, hệ thống mạng viễn thông đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, giáo dục đến y tế và an ninh. Các trạm thu phát sóng di động (BTS) là hạ tầng cốt lõi giúp đảm bảo các dịch vụ viễn thông luôn được thông suốt và ổn định.
Trước đây chủ yếu các trạm BTS hoạt động theo công nghệ 2G để cung ứng dịch vụ thoại (nghe, gọi), hơn nửa tỷ lệ thuê bao trên một trạm BTS thấp, do đó đòi hỏi băng thông thấp, và mật độ trạm thưa (vùng đô thị khoảng 500m đến 700m/trạm; vùng nông thôn từ 1000m đến 2000m/trạm).
Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu truyền tải, truy xuất dữ liệu và nhu cầu giải trí được các nhà sản xuất thiết bị phát triển đã đòi hỏi tốc độ truyền dẫn và băng thông lớn, cộng thêm số lượng thuê bao tăng nhanh. Đặc biệt, với sự bùng nổ của dịch vụ 4G và 5G, nhu cầu mở rộng và duy trì mạng lưới BTS ngày càng cấp thiết.
Các đơn vị nhà mạng phải đầu tư bổ sung thêm nhiều trạm BTS, thu hẹp lại khoảng cách giữa các trạm, để đủ năng lực đáp ứng cho nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân với chất lượng dịch vụ ổn định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các trạm BTS này ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Điều đó khiến việc phát triển hạ tầng viễn thông gặp không ít khó khăn.
Các tổ chức quốc tế có liên quan đã tổ chức nghiên cứu và có các văn bản khuyến nghị về vấn đề này, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Uỷ ban quốc tế về phòng chống bức xạ phi ion hoá (ICNIRP) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).
Các nghiên cứu này đều kết luận: “Qua xem xét mức độ phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập tới nay, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến điện yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe”. Kết quả nghiên cứu cũng xác định mức độ an toàn (gọi là mức phơi nhiễm trường điện từ an toàn) đối với khu vực sinh sống của người dân.
Theo đó, ICNIRP là cơ quan quốc tế hàng đầu ban hành các hướng dẫn về giới hạn phơi nhiễm EMF, được nhiều quốc gia và tổ chức công nhận và áp dụng. Hướng dẫn ICNIRP năm 2020 đề ra các mức giới hạn phơi nhiễm an toàn cho tần số từ 100 kHz đến 300 GHz, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi các tác động ngắn hạn và lâu dài của EMF.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến nghị giới hạn mức hấp thụ là 2W/kg. Căn cứ theo WHO, tại tài liệu ICNIRP Guide năm 2020, ICNIRP đưa ra khuyến nghị giới hạn phơi nhiễm đối với dải tần số 100khz đến 300mhz là dải tần số không inon hóa.
Dải tần số này đặc thù là khi tác động vào cơ thể con người không gây ra hiện tượng ion hoá (phá vỡ cấu trúc tế bào, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người) mà nó chỉ gây tác động nhiệt tức là làm cơ thể bên trong nóng lên.
Tại Việt Nam, với việc bắt buộc áp dụng Quy chuẩn quốc gia QCVN 8:2022/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng”, giá trị SAR được quy định là 0,4W/kg.
Như vậy, nếu so sánh giá trị này với các giới hạn của một số tổ chức và một số nước: Uỷ ban quốc tế về phòng chống bức xạ không ion hoá (ICNIRP) là 2W/kg; Liên minh Châu Âu, Nhật là 2 W/kg; Mỹ, Úc là 1.6 W/kg, thì quy định của Việt Nam nghiêm ngặt hơn nhiều. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các Thông tư quy định về kiểm định công trình viễn thông theo đó từng trạm BTS phải được kiểm định, nếu tuân thủ Quy chuẩn trên mới được hoạt động.
Về ý kiến cho rằng, các trạm BTS có thể tạo ra những bước sóng, bức xạ điện từ, các bức xạ điện từ này tác động đến sức khỏe con người, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – Giảng viên Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh cho rằng: “Bức xạ điện từ có 2 loại chính, 1 là bức xạ điện từ Ion hóa – có mức năng lượng rất cao, có bước sóng ngắn, có khả năng phá vỡ các liên kết hóa học, các mô tế bào… có thể ảnh hưởng đến sự phát triển hoặc gây ung thư.
Trong khi đó, các bức xạ điện từ mà chúng ta sử dụng như sóng điện thoại, wifi trong gia đình hoặc trạm BTS là không gây ion hóa. Vì không ion hóa nên không làm thay đổi thành phần hóa học, các chất trong cơ thể. Do đó, khả năng gây đột biến là không có. Nó có thể ảnh hưởng bằng cách là tạo ra nhiệt độ, khi sóng điện từ làm rung động các phân tử của cơ thể. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu và các nhà khoa học, nếu con người bị phơi nhiễm bức xạ điện từ ở mức thấp, sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hiện các cơ quan bảo vệ môi trường, y tế, chuyên môn đã đưa ra mức phơi nhiễm phù hợp đối với người dân, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời, đưa ra các quy định quản lý chặt chẽ các trạm BTS này. Nếu người dân không tiếp xúc cường độ cao với trạm BTS thì bức xạ điện từ của trạm sẽ không có nguy cơ tác động lên cơ thể”.
*Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm tại các khu vực trạm BTS, người dân có thể liên hệ trực tiếp đến Trung tâm đo lường chất lượng viễn thông, thuộc Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông theo số điện thoại: Giám đốc Trung tâm: Ông Hồ Đức Lượng: 0985899899