TAND cấp cao tại TP.HCM ngày 24/6 tuyên án vụ tranh chấp quyền sỡ hữu phần vốn góp trong Công ty TNHH Tây Sơn, giữa nguyên đơn là ông Liên Khui Thìn (cựu tử tù trong vụ án Minh Phụng – Epco) và phía bị đơn là cha con ông Phạm Minh Đạo - Phạm Nguyễn Minh Đức.

Theo hồ sơ vụ án, năm 1996 ông Liên Khui Thìn và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH SXTM Tây Sơn, với vốn điều lệ 3 tỷ đồng (mỗi người góp 50%).

Năm 1997, ông Thìn bị khởi tố trong vụ án Minh Phụng – Epco và bị tuyên án tử hình về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. 

Ông Liên Khui Thìn là một trong những trường hợp tử tù khá đặc biệt, khi thoát án tử, được ân giảm. Ông thụ án 12 năm, đến năm 2009 thì chấp hành xong án phạt.

Ông Thìn cho rằng, lợi dụng lúc ông chấp hành án, bà Mai đã chuyển toàn bộ vốn, tài sản của Công ty Tây Sơn cho những thành viên trong gia đình của bà gồm: ông Phạm Minh Đạo (là chồng), ông Phạm Nguyễn Minh Đức (là con trai) và ông Đỗ Thế Minh (là em ruột của bà Mai), mà không hỏi ý kiến của ông. 

Cho rằng những người này đã “chiếm đoạt” 50% vốn góp của ông trong Công ty Tây Sơn, nên cuối năm 2018 ông Thìn khởi kiện ông Phạm Minh Đạo, ông Phạm Nguyễn Minh Đức ra TAND TP.HCM. 

Cựu tử tù Liên Khui Thìn đề nghị toà tuyên huỷ giao dịch gian dối giữa bà Mai và những người trên, đề nghị tuyên huỷ các giấy thay đổi đăng ký kinh doanh từ lần 1 đến lần 8 của Công ty Tây Sơn và phục hồi 50% vốn góp, tài sản của ông có trong công ty này.

Năm 2000 TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn. 

Cấp sơ thẩm nhận định, bà Mai chuyển nhượng phần vốn góp trong Công ty Tây Sơn cho ông Minh, là người chưa phải thành viên công ty, trước khi thay đổi đăng ký kinh doanh, giảm vốn điều lệ và thay đổi, xoá tên thành viên công ty khi chưa có ý kiến của ông Liên Khui Thìn, là xâm phạm đến quyền lợi của nguyên đơn. Do đó, cấp toà sơ thẩm tuyên, giao dịch chuyển nhượng vốn góp nói trên giữa bà Mai và ông Đức, ông Đạo là vô hiệu; đồng thời tuyên huỷ các giấy thay đổi đăng ký kinh doanh của Công ty Tây Sơn từ năm 2000 đến năm 2016.

Sau đó, phía bị đơn và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Và phiên xét xử phúc thẩm mới đây, TAND cấp cao tại TP.HCM quyết định, sửa án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn.

HĐXX cấp phúc thẩm viện dẫn, ngày 22/8/2000 TAND TP.HCM có công văn do thẩm phán Nguyễn Đức Sáu ký, trả lời Công ty Tây Sơn khi hỏi về cách xử lý phần vốn góp, tài sản của ông Liên Khui Thìn trong công ty này.

Theo công văn này, căn cứ vào bản án sơ thẩm vụ án Minh Phụng – Epco thì, mọi tài sản của ông Liên Khui Thìn và của các bị cáo khác trong vụ án, đã được thu hồi để đảm bảo thi hành án.

Ông Thìn tuy có vốn góp trong Công ty Tây Sơn là 1,5 tỷ đồng nhưng lại lấy tài sản của công ty có giá trị tương đương 1,5 tỷ đồng thế chấp ở nơi khác thì coi như không còn vốn điều lệ trong công ty nữa.

Tinh thần của công văn cũng cho phép, các thành viên còn lại của công ty có thể đăng ký theo luật doanh nghiệp để ổn định hoạt động.

Trên cơ sở nhận định này, cấp toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên như trên.

Sau bản án, ông Liên Khui Thìn cho biết, văn bản trả lời của thẩm phán Nguyễn Đức Sáu không thể nào đứng trên luật doanh nghiệp được. Ông sẽ có đơn kháng cáo toàn bộ bản án phúc thẩm, gửi TAND tối cao đề nghị xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm.

Trang Nguyên