Toàn cảnh tọa đàm

Tọa đàm đã tạo ra một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường đại học làm thế nào để xây dựng và triển khai chương trình đào tạo tích hợp một cách hiệu quả nhất cho sinh viên. Bên cạnh đó, tọa đàm nhận được chia sẻ mang tính định hướng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính chất lượng cao phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Diễn đàn cũng nhận được những đóng góp ý kiến quan trọng từ phía các doanh nghiệp về chương trình tích hợp ICAEW CFAB và ICAEW ACA, cũng như cam kết hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình đào tạo và cung cấp cơ hội việc làm.

Tại phiên đầu tiên của buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự cùng nhau trao đổi kinh nghiệm xây dựng và triển khai chương trình đào tạo tích hợp ICAEW CFAB phù hợp nhất với sinh viên. Các vấn đề được đưa ra trao đổi tập trung vào số lượng môn học CFAB tích hợp vào chương trình, cấu trúc chương trình đào tạo khi tích hợp, thời lượng và thứ tự giảng dạy các môn tích hợp...

Nhận định về tầm quan trọng của việc tích hợp chương trình ICAEW đào tạo cho sinh viên tại các trường đại học kinh tế, tài chính của Việt Nam, ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán cho rằng tích hợp toàn bộ các môn cấp độ chuyên nghiệp (Professional) vào chương trình đào tạo là một trong những phương án cần xem xét, vì thực tế các chuẩn mực kế toán, kiểm toán không đứng riêng độc lập mà có sự liên kết. Việc tích hợp nhanh chóng và đầy đủ sẽ giúp người học nắm được tổng thể hệ thống chuẩn mực để vận dụng trong các tình huống phức tạp và đa dạng thực tế.

Ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán

“Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có kế hoạch áp dụng đồng thời các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) chứ không xây dựng lộ trình để áp dụng từng hay từng nhóm chuẩn mực, vì vậy sinh viên cần có sự hệ thống hóa toàn diện thay vì tiếp cận dần dần. Do đó, việc tích hợp các chương trình tiên tiến trên thế giới là cần thiết để có được chương trình đào tạo chất lượng, sát với thực tiễn hơn”, ông Trịnh Đức Vinh chia sẻ.

Tại phiên thứ 2, các đại biểu tiếp tục trao đổi kinh nghiệm trong việc sử dụng giáo trình và các nguồn liệu đào tạo. ICAEW đã chia sẻ kinh nghiệm khai thác tài liệu từ giáo trình, tài khoản giáo viên, bài giảng mẫu, ngân hàng câu hỏi… Các trường cũng đã chia sẻ về phương pháp xây dựng tài liệu giảng dạy, các bài kiểm tra tiến độ và thi thử. Bên cạnh đó, các vấn đề như trang bị giáo trình cho giảng viên và sinh viên, phương án hỗ trợ nhà trường và sinh viên đặt mua giáo trình, cũng như hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên sử dụng và khai thác giáo trình hiệu quả, đều được các bên quan tâm.

 Đại diện cơ quan nhà nước, các trường đại học, doanh nghiệp đối tác và ICAEW tham dự buổi tọa đàm

Một trong những vấn đề thảo luận sôi nổi tại tọa đàm là việc xây dựng và phát triển nguồn giảng viên. Đại diện các trường đưa ra kinh nghiệm xây dựng đội ngũ giảng viên các môn tích hợp từ nguồn giảng viên cơ hữu. Bên cạnh đó, ICAEW cũng chia sẻ các phương án đào tạo giảng viên và đề xuất hỗ trợ, hướng tới phát triển hệ thống giảng dạy bền vững. Tọa đàm cũng tiến hành thảo luận về việc xây dựng cộng đồng giảng viên, chia sẻ nguồn giảng viên, trao đổi giảng viên và hỗ trợ xây dựng nguồn giảng viên giữa các trường đào tạo chương tình tích hợp của ICAEW.

Phiên cuối, các đại biểu tham gia tọa đàm đi sâu vào trao đổi về kỳ thi các môn tích hợp của chương trình ICAEW và cơ chế chuyển điểm từ kỳ thi quốc tế với ICAEW vào bảng điểm. Nhiều vấn đề được đặt ra như các hỗ trợ dành cho sinh viên chuẩn bị trước kỳ thi quốc tế của ICAEW, phương pháp động viên và ghi nhận kết quả thi phù hợp. 

Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đối tác khu vực của ICAEW như Deloitte, BDO cũng đánh giá cao về nguồn nhân lực trẻ được đào tạo theo chương trình tích hợp tuyển dụng gần đây. Bên cạnh đó, đại diện hai đơn vị cũng đề xuất các chương trình hợp tác với ICAEW và nhà trường nhằm hỗ trợ định hướng nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng và gia tăng cơ hội nghề nghiệp sớm cho sinh viên chương trình tích hợp.

Bà Vũ Thị Thu Hương - Tổng giám đốc BDO Việt Nam đóng góp ý kiến tại buổi Tọa đàm

Sau hơn 8 năm có mặt tại Việt Nam, các môn học của Chứng chỉ quốc tế về Tài chính, Kế toán và Kinh doanh (CFAB) của ICAEW hiện đang được 14 trường đại học kinh tế - tài chính hàng đầu tại Việt Nam tích hợp vào chương trình đào tạo. Buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm tích hợp chương trình là một trong những hoạt động của ICAEW, nằm trong cam kết đồng hành cùng các đối tác đào tạo và doanh nghiệp, cùng đóng góp vào sự phát triển của ngành tài chính - kế toán tại Việt Nam.

Lệ Thanh