Ngày 21/5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang yêu cầu Ban chỉ đạo Covid-19 các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và thực hiện khai báo y tế.

Trên cơ sở dữ liệu khai báo y tế của người dân, đội tình nguyện viên sẽ thực hiện các cuộc gọi đến mọi người để kiểm tra độ chính xác của thông tin cũng như khai thác thêm thông tin.

Khi người dân khai báo có các thông tin như dấu hiệu sốt, ho, khó thở, hoặc đi từ vùng dịch về, tiếp xúc với những ca bệnh dương tính, ca bệnh nghi ngờ … qua khai báo y tế điện tử hoặc gọi điện thoại trực tiếp, đội tình nguyện viên sẽ gọi điện thoại thông báo tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang để kịp thời thực hiện các biện pháp xử trí, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

{keywords}
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố của Bắc Giang có trách nhiệm yêu cầu và hướng dẫn toàn bộ người dân trên địa bàn khai báo y tế điện tử.

Tổng đài hỗ trợ khai báo y tế 18001119 đã được VNPT gấp rút triển khai thiết lập sau 24 giờ, theo sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ TT&TT nhằm thực hiện yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Ban chỉ đạo với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang chiều ngày 16/5.

Thời điểm hiện tại, khi gọi đến tổng đài 18001119, ngoài việc được miễn cước, người dân sẽ được các tổng đài viên là tình nguyện viên hướng dẫn lựa chọn hình thức khai báo y tế phù hợp và nội dung khai báo cho xác thực nhất. 

Tại cuộc họp trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc khai báo y tế đã có quy định, được triển khai ngay từ khi bắt đầu có dịch, với những người đi, đến trong vùng dịch, người vào bệnh viện, hành khách trên các chuyến bay, các đối tượng F2, F3.

Thực tế, cũng ngay trong giai đoạn đầu chống dịch Covid-19, chỉ sau một thời gian rất ngắn gấp rút phát triển của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, ngày 9/3/2020, hai ứng dụng hỗ trợ khai báo y tế gồm Vietnam Health Declaration (VHD) dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam và NCOVI dành cho người dân Việt Nam đã được Bộ Y tế và Bộ TT&TT cho ra mắt.

Việc khai báo y tế điện tử của người dân hiện có thể thực hiện qua trang tokhaiyte.vn và  các ứng dụng NCOVI, VHD, Bluezone. Các ứng dụng này, cùng nhiều giải pháp công nghệ “Make in Vietnam” khác đã và đang hỗ trợ tích cực công tác phòng chống Covid-19.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 16/5, việc khai báo y tế thời gian qua vẫn còn tồn tại như: quá trình thực hiện không nhất quán; việc khai báo y tế điện tử còn phức tạp; không có hệ thống kết nối liên thông, quản lý dữ liệu đã khai báo y tế; phải khai báo nhiều lần. Dẫn đến tình trạng một số người, dù không cố tình trốn tránh khai báo y tế, nhưng vì một hay nhiều lý do nêu trên, đã không hoàn thành trách nhiệm hết sức cần thiết của mình, gây hậu quả rất đáng tiếc, làm lây lan dịch trong cộng đồng.

Vì thế, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ TT&TT chỉ đạo nhà mạng, Tổ thông tin của Ban chỉ đạo quốc gia thiết lập, công bố số điện thoại đường dây nóng và tổ chức lực lượng tình nguyện viên kết hợp điện thoại viện để hỗ trợ người dân khai báo y tế một cách kịp thời, miễn phí, không để ách tắc.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, cơ quan: TT&TT, Y tế, Giao thông vận tải, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương hoàn thiện các công cụ liên thông dữ liệu để bảo đảm thuận lợi nhất khi cần cập nhật, bổ sung thông tin đã khai báo y tế.

Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các tỉnh, trước hết là Bắc Giang và Bắc Ninh bổ sung những đối tượng cần thiết khai báo y tế, như công nhân khu công nghiệp, đảm bảo yêu cầu chống dịch.

Vân Anh 

Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội khuyến khích người dân giao dịch online, không dùng tiền mặt

Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội khuyến khích người dân giao dịch online, không dùng tiền mặt

Là 3 địa phương điểm nóng về dịch Covid-19, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội những ngày qua đều khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tăng cường họp online, thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế tiếp xúc trực tiếp.