Dịp lễ Quốc khánh 2/9 là kỳ nghỉ đặc biệt của toàn thể người dân Việt Nam. Vào dịp này, những người lao động như chúng tôi được nghỉ ngơi, sắp xếp thời gian đưa gia đình đi du lịch, hoặc về quê thăm hỏi người thân giữa tiết trời thu mát mẻ, dễ chịu. Nhưng ngay sau đó, khi đã quay lại guồng công việc, chúng tôi lại đối diện với một tình huống dở khóc dở cười. Đó là ngày khai giảng 5/9 của con cái.

Mấy năm nay, khai giảng năm học được đồng loạt tổ chức vào ngày 5/9 đối với các cấp học mầm non, phổ thông. Nếu rơi vào trong tuần, vợ chồng tôi phải thay nhau xin nghỉ làm để đưa con đến trường. Có năm, bởi chồng đi công tác, công việc lại quá bận, tôi đành "điều" ông bà từ quê ra để đưa các cháu đi dự lễ khai giảng.

Vì thế, khi nghe có đề xuất cho người lao động được nghỉ cả ngày 5/9, tôi hết sức tán thành. Xã hội càng phát triển, nhu cầu chăm chút cho sự học của con cái càng được chú trọng hơn bao giờ hết. Với tôi, việc đưa con đi khai giảng sẽ góp phần động viên tinh thần con rất lớn. Đặc biệt, đối với trẻ mẫu giáo lên cấp tiểu học, khi thay đổi sang một môi trường mới lạ, các cháu sẽ rất cần cha mẹ ở bên để an tâm hơn.

Ngoài ra, nhân dịp đó tôi cũng muốn mình có thêm thời gian để tìm hiểu thầy cô và lớp học của con. Tôi cho rằng, trẻ em thời đại này cũng áp lực về vấn đề học tập rất lớn. Với ngày nghỉ quý giá, tôi muốn đưa con đi đến những khu vui chơi, giải trí nhằm giải tỏa phần nào trước khi con bước vào một “cuộc chiến” thực sự. 

W-đường phố.jpg
Ảnh: Nam Khánh

Thế nhưng nếu nghỉ xuyên lễ độc lập cho đến hết ngày khai giảng (tức từ ngày 2/9 đến 5/9) thì lại quá dài, sẽ bất hợp lý cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động. Bởi lẽ, trong một năm, nước ta vốn dĩ đã có khá nhiều kỳ nghỉ lễ như Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán, ngày Giỗ Tổ, đợt 30/4-1/5. Đây đều là những kỳ nghỉ lễ trải dài suốt nửa đầu năm dương lịch.

Cá nhân tôi - một nhân viên văn phòng, những ngày nghỉ lễ là cơ hội để gia đình quây quần bên nhau, tranh thủ dành thời gian cho bản thân. Nhưng đến lúc quay lại làm việc, tôi bỗng rơi vào trạng thái hụt hẫng, thậm chí căng thẳng, chán làm. Đặc biệt là khi có những việc bị dồn lại suốt kì nghỉ khiến tôi mất thêm thời gian để xử lý, bắt nhịp lại. 

Chưa kể, trong khoảng thời gian "chững" lại, nhiều công việc mới phát sinh làm tôi rối bời, còn phải đem cả về nhà vì làm không xuể, vô hình chung ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân. Nếu nghỉ 1-2 ngày thì không sao, nhưng chỉ cần dài hơn 4-5 ngày, thậm chí cả tuần lễ, tôi không dám chắc mình sẽ không bị stress sau kỳ nghỉ.

Vậy nên tôi thấy không cần thiết phải có thêm một dịp nghỉ lễ kéo dài từ 2/9 đến 5/9, có thể dài hơn cả dịp 30/4 và 1/5. Nghỉ càng lâu chỉ càng khiến công việc trì trệ, năng suất lao động giảm sút. Nhất là trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị cho dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới. 

Vẫn biết rằng, đề xuất này khá nhân văn khi giúp người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, dành thời gian cho con cái ngày khai giảng. Song đối với tôi, nếu nghỉ quá lâu, lại rơi vào những tháng quan trọng cuối năm có thể gây ra hiệu ứng ngược. Tôi rất mong cần căn cứ vào thực tế công việc đối với những bậc phụ huynh như tôi ở môi trường doanh nghiệp, làm sao công việc không bị ngưng trệ trong giai đoạn “chạy nước rút” cuối năm trước khi chuẩn bị đón một năm mới cùng những ngày nghỉ lễ khác. 

Trần Anh (Hà Nội)