- "Với mong muốn con có một tuổi thơ “vừa sức” cũng như có những kỹ năng thiết thực hơn cho cuộc sống sau này tôi quyết định chọn “home school” - anh Bùi Huy Kiên (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.

{keywords}
Bé Bùi Huy Khang hiện đang sắp học xong lớp 6 của một chương trình học tại nhà

Chia sẻ về lý do chọn “home school”, anh Kiên nói: Muốn cậu con trai học được những kiến thức, kỹ năng hữu ích và gần gũi với cuộc sống hơn, thay vì phải học những kiến thức mà sau này có thể cháu sẽ không bao giờ sử dụng tới.

Anh kỳ vọng ít nhất sau khi tốt nghiệp cấp 3, với những gì được học, con có thể tồn tại một cách độc lập. Theo anh, trong chương trình giáo dục mà anh lựa chọn cho con, có những kiến thức và kỹ năng quan trọng mà chương trình giáo dục của Việt Nam không đề cập tới.

Hiện tại, bé Bùi Huy Khang, 13 tuổi - con trai anh Kiên - đang theo học một chương trình học tại nhà của Mỹ. Khang cũng từng đến trường như những đứa trẻ khác nhưng chỉ học được nửa năm thì dừng. Sau đó, vợ chồng anh quyết định cho con học tại nhà theo một số giáo trình của nước ngoài. Ban đầu, Khang theo học một số chương trình nhưng thấy không hiệu quả cho lắm, sau đó mới chuyển sang chương trình hiện tại.

Vì mất thời gian chuyển đổi nên những năm đầu tiên Khang học chậm hơn so với độ tuổi nhưng hiện tại cậu bé này đã học gần xong chương trình lớp 6. Anh Kiên cho biết: “Do mình có thể chủ động về thời gian học tập nên thậm chí nếu nhanh có thể học một năm 2 lớp.”

Cô giáo hướng dẫn qua video

Với hình thức này, Khang có thể học qua video và sách được gửi về từ Mỹ sau khi bố mẹ đã thanh toán chi phí qua tài khoản. Mỗi cuốn sách cũng chia thành các bài như bình thường, tuy nhiên thay vì nghe cô giáo giảng bài trực tiếp thì Khang nghe cô giáo hướng dẫn trong video.

Chính vì thế, vai trò của bố mẹ trong chương trình học này là rất quan trọng. Phụ huynh sẽ là người giám sát, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của con. Nếu có những vướng mắc không thể giải đáp, phụ huynh có thể gửi email cho trường để hỏi. Để theo học cùng con, chương trình cũng thiết kế khá nhiều tài liệu hướng dẫn dành riêng cho bố mẹ.

Sau mỗi bài học cũng có những bài tập theo mẫu sẵn, trẻ điền câu trả lời vào đó và bố mẹ chính là người chấm điểm (theo hướng dẫn trong tài liệu), sau đó gửi bài và điểm chấm sang cho trường lưu. Cả tiền sách, video và chi phí vận chuyển trong vòng một năm học của chương trình này là khoảng 1.000 USD – anh Kiên cho biết.

Ngoài ra, thông thường mỗi tuần Khang phải làm một bài “test” cho mỗi môn học. Những bài test này cũng được bố mẹ chấm điểm, nếu là bài đọc thì ghi âm vào đĩa rồi gửi sang cho trường. Khoảng 6 tuần anh chị gửi những kết quả này sang Mỹ một lần.

Anh Kiên cho biết, trước đây có cho cháu học ở một trường mầm non quốc tế và cho đi học tiếng Anh từ nhỏ nên trước khi theo học chương trình này cu cậu cũng đã biết một chút tiếng Anh. “ Hồi mới bắt đầu học, tiếng Anh của cháu cũng chỉ ở mức bình thường thôi nhưng bây giờ kỹ năng nghe nói của cu cậu đã tốt hơn nhiều” – ông bố này chia sẻ.

Con được cấp bằng mà không "mất gốc"

Khác với nhiều người nhầm tưởng học tại nhà là không có bằng cấp, anh Kiên cho biết nếu phụ huynh đăng ký, trường sẽ cấp giấy chứng nhận cho học sinh. Ngoài ra, sau khi học xong phổ thông, nếu muốn học tiếp đại học, học sinh thường phải trải qua một bài test và phỏng vấn. Nếu trường đại học cần thông tin về những năm học phổ thông, trường đại học sẽ tự liên hệ với trường cũ để lấy thông tin, phụ huynh sẽ không phải cung cấp nữa.

{keywords}
Ngoài những cuốn sách hoàn toàn bằng tiếng Anh, Khang cũng thích đọc truyện tranh như các bạn cùng lứa

Do chương trình của Mỹ, học hoàn toàn bằng tiếng Anh nên những năm đầu, ngoài thời gian học ở nhà, Khang còn theo học 2 lớp tiếng Anh bên ngoài, một ở Hội đồng Anh, một do thầy giáo người Mỹ giảng dạy. Hiện tại, tiếng Anh của Khang đã tốt hơn nhiều nên em không còn học thêm tiếng Anh bên ngoài nữa.

Tuy nhiên, vợ chồng anh Kiên cũng có những cách khác để cậu con trai không “mất gốc”. Lịch sử, địa lý Việt Nam được anh chị bổ sung cho cháu bằng nhiều cách khác nhau: qua sách vở, các hoạt động ngoại khoá, du lịch, tham quan… Đặc biệt, hai bố con rất thích đi thăm bảo tàng.

Nói về định hướng sau này cho con trai, anh Kiên chia sẻ: “Phải có thêm thời gian để xem khả năng của cháu phù hợp với ngành gì. Còn phụ thuộc vào đam mê của cháu nữa. Bây giờ cháu vẫn còn nhỏ, chưa thể hiện khả năng gì đặc biệt… Nếu muốn, cháu có thể đi làm sau khi học xong phổ thông, sau này thấy thiếu kiến thức thì học tiếp, không vấn đề gì!”

Vì không đến trường như các bạn cùng lứa nên Khang có ít bạn. “Cháu cũng hơi buồn thôi!” – cậu bé chia sẻ. Tuy nhiên, tiếp xúc với Khang, ấn tượng để lại là một cậu bé nhanh nhẹn, cởi mở và dễ thương. Khó có thể nhận ra cái “hơi buồn” của Khang khi nghe cu cậu kể đủ thứ chuyện thú vị bằng giọng hào hứng, từ sở thích chơi Lego, đọc truyện tranh tới việc tiết kiệm tiền ăn khi đi du lịch.

“Dạo trước cháu sang Singapore mấy ngày, vừa đi chơi vừa đi học. Cháu không đi cùng bố mẹ mà đi theo đoàn. Bố mẹ cho cháu 60 đô. Đến giờ ăn người ta phát tiền cho, phần lớn cháu ăn không hết tiền. Cháu dành tiền mua một con đồ chơi, khoảng 42 đô. Hàng thật luôn!...” – Khang hớn hở khoe.

“Lớn lên, cháu thích chế tạo kiểu đồ chơi như Lego vì cháu thích chơi Lego. Cháu thích sang Mỹ, chơi hay học đều thích” – cậu bé 13 tuổi chia sẻ về ước mơ.

  • Nguyễn Thảo