Các chuyên gia cho rằng nhiều người dùng hiện nay khá chủ quan, không tìm hiểu kiến thức an toàn thông tin nên dễ bị lừa đảo trực tuyến. Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), bên cạnh vấn đề về đào tạo, nâng cao nhận thức rộng rãi cho người dân, cần phải triển khai, sử dụng công nghệ cao để áp dụng, ngăn chặn, xử lý tội phạm công nghệ cao.

Nhiều người vẫn bị lừa trên mạng do chủ quan. (Ảnh: Hải Đăng)

Nhiều công nghệ đang được dùng để chống lừa đảo

Ông Yeo Siang Tong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, cho biết các công cụ công nghệ tại Việt Nam hiện nay đã khá đầy đủ. 

“Chính phủ cũng như các doanh nghiệp, tổ chức đã đồng thời phát triển nhiều công cụ phòng chống lừa đảo như: công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến; các chiến dịch gỡ bỏ mã độc và làm sạch không gian mạng định kì trên toàn quốc; trang thông tin điện tử giúp người dân phản ánh các vấn đề về an toàn thông tin; v.v.”, ông Yeo nói với VietNamNet.

Ngoài ra, nhiều tổ chức còn sử dụng các giải pháp bảo mật đáng tin cậy của bên thứ ba để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các mối đe dọa an ninh mạng cho doanh nghiệp và người dùng cá nhân. 

Các khóa đào tạo về an ninh mạng cho nhân viên cũng là một công cụ hiệu quả để giúp mọi người phòng thủ tốt hơn trước các hành vi lừa đảo.

Trong khi đó, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc công ty bảo mật Nam Trường Sơn, cho rằng người dân nên cài đặt các phần mềm bảo mật đầu cuối. Ở mức cao hơn, nên biết cách phòng thủ khi truy cập mạng nội bộ và mạng Internet. 

Ưu điểm đầu tiên của việc áp dụng công nghệ là phát hiện các mối đe dọa giúp ngăn chặn các vụ lừa đạo trước khi nó có cơ hội xảy ra. 

Trong trường hợp doanh nghiệp bị tấn công hoặc người dùng vướng vào các vụ lừa đảo trực tuyến, công nghệ sẽ giúp quá trình xử lý các vụ lừa đảo này nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp và người dùng có thể giảm khả năng bị tấn công hoặc ít nhất là giảm thiểu thiệt hại do gian lận.

Bên cạnh những ưu điểm nói trên, ông Yeo thừa nhận không có công nghệ nào là an toàn tuyệt đối. 

Các công cụ bảo mật hiện tại vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị tội phạm mạng tấn công hoặc khai thác. Điều đó đòi hỏi các nhà phân tích bảo mật cũng như nhóm CNTT phải luôn cập nhật và theo dõi các xu hướng tấn công mới nhất để đưa ra các giải pháp mới bảo vệ an ninh mạng của tổ chức. 

Theo ông Vũ, có tình huống phần mềm độc hại “kháng” phần mềm diệt virus. Tức các loại virus ngăn chặn cài đặt và chống xoá virus làm người dùng không có kinh nghiệm dễ bị thiệt hại. 

Vì sao nhiều người dân vẫn bị lừa mất tiền?

Dù các biện pháp nâng cao nhận thức liên tục được thực hiện song không ít người dân vẫn bị lừa đảo trên mạng.

Điều này, theo ông Yeo, do tội phạm mạng không ngừng phát triển, với nhiều thủ đoạn và hình thức tinh vi. 

“Chúng không chỉ nâng cao kỹ thuật tiên tiến mà còn rất am hiểu tâm lý con người khi sử dụng thủ đoạn đánh vào sự cả tin, thiếu tiếp cận thông tin và lòng tham của con người để lừa nạn nhân làm theo yêu cầu của chúng”, ông Yeo nhận định.

Do đó, điều quan trọng là người dùng phải cập nhật những thông tin mới nhất về cách giữ an toàn khi trực tuyến, sử dụng các giải pháp an ninh mạng đáng tin cậy để ngăn chặn các mối đe dọa từ môi trường số. 

Đồng thời, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tài khoản trên môi trường trực tuyến theo khuyến cáo của các chuyên gia bảo mật, chẳng hạn như sử dụng mật khẩu phức tạp để bảo mật thông tin, mật khẩu đủ mạnh cho từng tài khoản.

Ngoài ra, có thể cân nhắc trang bị thiết bị chuyên dụng dành cho giao dịch ngân hàng và mua sắm trực tuyến hoặc sử dụng các công cụ bảo mật đáng tin cậy cung cấp khả năng bảo vệ toàn diện cho bản thân và gia đình.

Thờ ơ với kiến thức bảo mậtNhiều người ít quan tâm đến kiến thức bảo mật trong khi việc nâng cao nhận thức cho toàn dân cần nỗ lực lớn, dẫn đến tình trạng lừa đảo trực tuyến vẫn thường xuyên diễn ra.