Sáng nay Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải trình trước QH về một số vấn đề ĐBQH đặt ra liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có tình hình dịch tả lợn đang diễn biến phức tạp.

XEM CLIP:

Bộ trưởng nhận định, dịch tả lợn là vấn đề rất lớn, lịch sử chưa bao giờ xảy ra ở nước ta. Dịch tả lợn xảy ra đầu tiên tại Nigeria năm 1921, do đó gọi tên là dịch tả lợn châu Phi. Bệnh này do một loại virut gây ra hết sức nguy hiểm, khi tấn công vào đàn lợn thường gây chết 100%.

Virut này tồn tại rất lâu trong môi trường tự nhiên kể cả trong điều kiện bất lợi; lây truyền rất nhanh qua rất nhiều con đường. Gần 100 năm nay, thế giới không có vắc-xin phòng và không có thuốc chữa.

"Đây là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và Việt Nam", Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh.

Ngành chăn nuôi lợn chiếm tỉ trọng hơn 50% trong cơ cấu nông nghiệp, thịt lợn vẫn chiếm tỉ trọng 70% trong mỗi bữa cơm của người Việt.

Vì vậy, ngay từ đầu khi dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc vào ngày 23/8/2018, chỉ sau 1 tuần, Bộ NN&PTNT đã ban hành công điện yêu cầu tăng cường biện pháp ngăn chặn. Thủ tướng cũng ban hành ngay chỉ thị vào ngày 19/9/2018.

Chỉ sau 2 tuần, Phó Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo hội nghị trực tuyến với các địa phương để cảnh báo, xây dựng kế hoạch phòng chống... 

{keywords}
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Minh Đạt

Tuy nhiên điều đáng tiếc xảy ra, với tính chất đặc biệt của loại virut này, với biên giới kề cận Trung Quốc, ngày 1/2 vừa qua, ổ dịch đầu tiên đã chính thức xảy ra tại Hưng Yên. Chúng ta đã chuẩn bị sẵn những kịch bản ứng phó, hệ thống chính quyền địa phương, nhân dân đã vào cuộc ngay từ đầu.

"Do đặc thù của loại virut này, chúng ta còn 2,4 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, liền kề tại các khu dân cư, không gian chật hẹp nên dễ lan truyền. Tôi rất tiếc là bệnh dịch đã lan ra 48 tỉnh, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã, phải tiêu hủy 2 triệu con, 117.000 tấn, chiếm 6,5% tổng đàn lợn của cả nước. Đây là thiệt hại vô cùng lớn", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Còn hơn 90% đàn lợn sạch

Ông dự báo, với tình hình thời tiết diễn ra vô cùng phức tạp như năm nay, với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu không có biện pháp tích cực, bệnh sẽ tiếp tục lan tỏa ra các vùng còn lại, quay trở lại những nơi có ổ dịch.

Điều Bộ trưởng lo lắng nhất là nếu không làm tốt công tác phòng ngừa, khoanh dịch, bệnh sẽ lan vào những đàn lợn lớn thì cực kỳ nguy hiểm.

Trước tình hình đó, Ban Bí thư cũng ban hành chỉ thị, Thủ tướng chỉ đạo với một tinh thần chung “dập dịch".

"Phòng là chính chứ không có thuốc trừ, cả hệ thống chính trị vào cuộc, người đứng đầu phải trực tiếp đôn đốc chỉ đạo. Thủ tướng chỉ đạo là phải sống chung lâu dài với dịch này để từ đó có biện pháp tổng thể, trước mắt, trung hạn và lâu dài", người đứng đầu ngành Nông nghiệp chia sẻ.

Bộ trưởng NN&PTNT nêu hàng loạt giải pháp. Đầu tiên là cố gắng ngăn chặn, không để lan tỏa bằng 'an toàn sinh học'. Đây là vũ khí duy nhất, nếu làm được sẽ không để lan tỏa các ổ dịch.

Đồng thời gia cố thêm các điều kiện đảm bảo an toàn sinh học với biện pháp thú y để ngăn chặn, sau này ổn định có điều kiện tái đàn.

Thứ 2 là giảm quy mô thiệt hại về kinh tế. Theo Bộ trưởng Cường, hiện nay vẫn còn hơn 90% đàn lợn sạch, vì vậy phải tuyên truyền làm sao người dân không quay lưng với việc tiêu thụ thịt lợn. Điều này vừa giảm thiểu thiệt hại kinh tế vừa giúp thị trường không bị khủng hoảng.

Bộ trưởng cũng dặn nông dân không tăng đàn vào lúc này để tránh rủi ro. Cùng với đó là thúc đẩy chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.

Ngoài ra, các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân, cùng chung tay giải quyết lúc khó khăn nhất.

“Đây là một dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, rất mong có sự chia sẻ chung và có hỗ trợ cho ngành chăn nuôi”, Bộ trưởng Cường nói.

Thủ tướng chỉ đạo cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi

Thủ tướng chỉ đạo cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay đã ra chỉ thị về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch này.

Thu Hằng - Hồng Nhì