- Chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, nếu vài năm tới tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông không giảm thì ông sẵn sàng cho việc để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Đã nghiên cứu bao năm nay
Ngày hôm qua Bộ Giao thông Vận tải mới trình Chính phủ phương án cuối cùng về đổi giờ làm, giờ học để hạn chế ùn tắc giao thông. Cụ thể phương án mới là gì thưa ông?
- Tôi đã trình Chính phủ hôm qua. Giờ làm việc của công chức sẽ là 9h. Với công chức của Hà Nội sẽ làm từ 8h30. Còn học sinh tiểu học và mẫu giáo là 8h. Như vậy là có sự điều chỉnh lại về giờ cho học sinh tiểu học.
Quan điểm của Bộ Giao thông là muốn áp dụng trên diện rộng còn tại buổi làm việc mới đây của các ban ngành, lãnh đạo Hà Nội chỉ muốn thí điểm đổi giờ ở các trường học và trung tâm thương mại, ông có thấy phù hợp?
- Đó là quyền của Hà Nội còn tôi thì đã báo cáo các phương án với Chính phủ. Mà giải pháp về đổi giờ đều nằm trong tổng thể các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông đã được chính phủ chỉ đạo. Bộ Giao thông chỉ thực hiện.
Hà Nội cũng đã đồng ý về chủ trương. Còn cụ thể thế nào tôi đã trình Chính phủ và Thủ tướng sẽ quyết định cho ai làm gì.. Tất cả đều cùng chung một mục tiêu là giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng Chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Minh Thăng |
Lãnh đạo Hà Nội cũng cho rằng trước khi áp dụng thí điểm cần tiến hành điều tra xã hội học nghiêm túc về vấn đề đổi giờ, vậy Bộ Giao thông đã làm chưa?
- Có hẳn đề án nghiên cứu khoa học bao năm nay chứ không phải cứ thích lên rồi chúng tôi đề xuất đổi giờ như vậy.
Vậy lãnh đạo Bộ có lắng nghe phản biện các ý kiến phản biện?
- Chính đại biểu Lê Thị Nga đã nói sáng nay trên Hội trường, đó là phải hi sinh lợi ích của một nhóm cho lợi ích cộng đồng.
Nhiều ý kiến cho là đổi giờ làm sẽ ảnh hưởng đến giờ giấc đi làm của công chức nữ. Đó chỉ là số nhỏ công chức nữ so với hàng triệu công nhân lao động. Các nữ công nhân làm theo ca, theo kíp vậy ai đưa con nhỏ đi học. Họ không phải là mẹ sao? Tại sao chỉ công chức mới cần ưu tiên giờ làm việc phù hợp để đưa con đi học.
Đại biểu Lê Thị Nga cũng phản ánh tình trạng một số cán bộ ngành giao thông chưa nghiêm túc gương mẫu nên người dân cũng nhờn luật dẫn đến các vấn nạn kéo dài như ùn tắc và tai nạn. Chẳng hạn các sai phạm trong khâu đào tạo lái xe, mãi lộ?
- Điều đó là có thật. Vừa rồi Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo kiểm tra và đã giải tán ba trung tâm đào tạo lái xe. Còn việc người dân phản ánh về việc trung tâm đăng kiểm nhận tiền lót tay thì chúng tôi cũng sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm. Vì muốn người dân chấp hành tốt luật pháp thì những người thực thi công vụ trong ngành giao thông phải gương mẫu trước.
Chúng tôi có kế hoạch, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất và nếu như ai đó có phản ánh thông tin với Bộ là chúng tôi sẽ kiểm tra.
Cứ dừng lại, làm sao thực hiện được?
Tại buổi thảo luận hôm nay rất nhiều người quan tâm đến giải pháp của Bộ trưởng. Vậy theo dự kiến của ông, cần bao nhiêu năm để giải được bài toán ùn tắc?
- Có giải pháp lâu dài và trước mắt. Giải pháp phải tổng thể và đồng bộ từ hoàn thiện văn bản quy phạm, đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông hợp lý, nâng cao tinh thần và ý thức trách nhiệm người tham gia giao thông và người thực thi công vụ. Chứ không phải chỉ một giải pháp và chắp vá.
Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Và phải có một nghị quyết để QH giám sát tối cao và một nghị quyết để toàn dân, toàn hệ thống chính trị vào cuộc.
Còn để giải quyết căn bản ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn thì phải đầu tư xây dựng các loại hình vận tải chở được khối lượng lớn như tàu điện ngầm. Nhưng chuyện này đòi hỏi thời gian và tiền bạc.
Ngay cả tai nạn giao thông nếu muốn giải quyết triệt để là khó mà chỉ có thể giảm thiểu.
Thực tế những năm qua tai nạn giao thông chưa giảm được là bao?
- Vì các giải pháp chưa đồng bộ và chưa quyết liệt. Lỗi tại cơ quan quản lý nhà nước là Bộ giao thông vận tải và người tham gia giao thông.
Vậy Bộ trưởng cần bao nhiêu thời gian để giải quyết được vấn nạn trên?
- Với điều kiện mọi người phải vào cuộc và phải đồng thuận. Chứ nếu đưa ra một giải pháp nhưng cứ dừng lại thì làm sao mà thực hiện được. Như bên Singapore, cấm triệt để toàn bộ xe máy. Nhiều nước khác cũng vậy. Còn ở nước mình, cứ đưa giải pháp gì là lại cho rằng đụng đến quyền công dân.
Tất nhiên mọi chuyện phải đồng bộ với nhau. Phải phát triển các phương tiện vận tải công cộng tốt lên, đầy đủ và có chất lượng tốt thì dân mới mặn mà và mới giảm được phương tiện cá nhân. Việc này phải làm đồng thời. Người dân phải chia sẻ.
Tại phiên họp cũng có rất nhiều ý kiến bày tỏ kỳ vọng với những việc làm quyết liệt của ông, ông có chia sẻ gì?
- Tôi thấy trách nhiệm còn nặng nề hơn nhiều.
Sau một thời gian nhất định, nếu số vụ tai nạn không giảm và nạn tắc đường chưa hết thì liệu Bộ trưởng có sẵn sàng cho việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm?
- Tôi đồng ý và ủng hộ.
"Trong 3 khóa gần đây có khoảng trên 150 ngàn người chết vì tai nạn giao thông nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ Trung ương đến cơ sở bị kỷ luật vì để xảy ra nhiều tai nạn và Quốc hội cũng chưa miễn nhiệm một Bộ trưởng nào vì lý do này. Hàng năm đại đa số cán bộ, công chức của những cơ quan có trách nhiệm về an toàn giao thông đều được đánh giá là hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu trách nhiệm cá nhân không nghiêm và quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng không được thực hiện trên thực tế thì khó có thể giải quyết tình trạng này" - ĐB Lê Thị Nga, Thái Nguyên - |
Lê Nhung (ghi)