Thời gian qua, những đạo lạ đang len lỏi vào đời sống người dân. Thậm chí dẫn tới việc kêu gọi nhiều người dân bỏ bê công việc, rời bỏ cuộc sống thường nhật, bỏ bàn thờ thờ phụng tổ tiên… để đi theo tôn giáo này. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Về nguyên tắc chúng ta ủng hộ tự do tín ngưỡng tôn giáo và Quốc hội đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trong đó có bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Trong đó luật cũng quy định trình tự, thủ tục để các tổ chức tôn giáo có thể đăng ký hoạt động một cách chính thức, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên thực tế, gần đây có hiện tượng mà chúng ta tạm gọi là tôn giáo lạ, chưa được phép tổ chức hoạt động. Gần đây có hai vụ việc điển hình là Hội thánh đức chúa trời mẹ và hiện tượng nữa nhóm phụ nữ Bình Dương đi theo tôn giáo lạ. Các tôn giáo này rất khác với nguyên tắc, tôn chỉ mục đích của các tôn giáo chính thống.

Tôn giáo lạ: Người dân phát hiện các biểu hiện lạ cần báo ngay cho cơ quan chức năng để tránh những vụ việc như tại Bình Dương - Ảnh 1.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Chúng ta thấy đạo lý, nguyên lý, giáo lý của các tổ chức tôn giáo chính thống đều khuyên con người sống tốt đời đẹp đạo, hướng thiện, tôn trọng những giá trị đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục đã được thừa nhận. Ngoài những bản sắc riêng, thì các tôn giáo chính thống đều hướng thiện cả. Những tôn giáo lạ mà ta đang bàn ở đây thì giáo lý rất khác: không khuyên con người chăm chỉ, cần cù lao động mà hầu hết dụ dỗ lôi kéo con người rời bỏ cuộc sống sinh hoạt thường nhật, không tham gia lao động sản xuất thậm chí rời xa gia đình, không thừa nhận giá trị của gia đình, không thừa nhận tổ tiên, dòng họ, có biểu hiện quá khích, đi ngược lại hẳn thuần phong mỹ tục. Rõ ràng những tôn giáo vừa không được phép hoạt động vừa đi ngược lại thuần phong mỹ tục, đạo lý của dân tộc thì chúng ta không thể ủng hộ được.

Những đạo lạ này đang len lỏi vào cuộc sống của người dân mà không dễ gì phát hiện được. Việc quản lý đặt ra ở đây được hiểu như thế nào thưa ông?

Chắc chắn phải có những biện pháp cương quyết, mạnh mẽ, đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền một số địa phương gần như là vào cuộc chậm nên có hiện tượng các tôn giáo lạ này tổ chức hoạt động ở nhiều địa phương trong thời gian khá dài và gây ra hậu quả nghiêm trọng như riêng vụ ở Bình Dương đã hoạt động tại 3 tỉnh, TP và gây hậu quả nghiêm trọng: giết người phi tang xác. Việc này do sự phát hiện tình cờ thì cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Do vậy ở đây đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng , quản lý chính quyền địa phương và người dân, cử tri khi thấy những hoạt động bất thường như vậy trong đời sống xã hội thì phải có những phát hiện và thông báo cho cơ quan nhà nước.

Dường như các đạo lạ này có cách truyền đạo với hành tung bí hiểm. Và như ông chia sẻ, khi xảy ra chuyện thì người dân và chính quyền địa phương mới biết được. Có cách nào để phát hiện sớm để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra không thưa ông?

Đúng là những vụ việc mà chúng ta đang bàn tới thì rõ ràng là thiểu số thôi, nhỏ lẻ thôi, hoạt động thì bí ẩn, kín đáo, nên có thể che mắt được người dân và cơ quan quản lý và chính quyền địa phương. Cơ quan quản lý tôn giáo thì lực lượng rất mỏng, nhiều việc phải làm. Tuy nhiên việc này gióng lên tiếng chuông với cơ quan quản lý, với chính quyền là phải tăng cường giám sát để kịp thời phát hiện ra hoạt động bất thường của các tổ chức, hoạt động tôn giáo, một mặt là có tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu đúng pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời công bố rộng rãi để người dân được định hướng tín ngưỡng tôn giáo đúng với thuần phong mỹ tục cũng như với quy định của pháp luật.

Xã hội ngày càng phát triển nhưng tại sao người dân vẫn tin tưởng vào những tôn giáo lạ như vậy. Thậm chí có những người có trình độ cao, làm việc cho các tập đoàn nước ngoài, cán bộ công chức cũng tham gia. Ông có đưa ra khuyến cáo gì với người dân?

Xã hội thì rất rộng lớn, đa dạng, nhu cầu của người dân trong xã hội cũng rất là khác nhau. Thực tế về mặt lý luận chúng ta đã biết người dân tìm tới các hoạt động tôn giáo, cơ sở thờ tự nhiều thì niềm tin thực tại bị ảnh hưởng, thiếu nơi để người ta đặt niềm tin và tham gia. Về mặt quản lý chúng ta nhìn nhận hiện tượng đó để quan tâm tới đời sống tinh thần, tôn giáo của người dân.

Các biểu hiện bất thường, cá biệt trên cũng thể hiện sự quan tâm, tò mò của một bộ phận người dân nào đó. Ở đây người dân cần phải tỉnh táo, hướng cho mình, người thân, gia đình tôn giáo nào là phù hợp với tín ngưỡng, đạo đức và pháp luật.

Đúng là có tình trạng như nhà báo đặt vấn đề. Vừa qua nhiều người tham gia gọi hồn, cúng oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng, bác sĩ được đào tạo bài bản, làm việc tại bệnh viện lớn mà lại khuyên người dân đi theo tôn giáo đó để chữa bệnh mà không phải tìm tới các cơ sở y tế để chữa bệnh.

Tình trạng có một bộ phận người dân hiểu biết, có vị trí xã hội nhất định cũng tham gia đạo lạ điều này thể hiện sự phức tạp, đa dạng trong đời sống xã hội thôi. Họ tham gia với nhiều lý do: vì tò mò, vì mối quan hệ nào đó với những người tổ chức hiện tượng này, bị dụ dỗ, lôi kéo với nhiều mục đích khác nhau của các tổ chức tôn giáo. Điều này cũng đặt ra yêu cầu với cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm, định hướng đời sống tôn giáo của người dân.

Và đặc biệt người dân cũng phải tự nâng cao đề phòng, phòng vệ của bản thân với các hiện tượng tôn giáo mà trái với thuần phong mỹ tục và trái với quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!

Theo toquoc.vn