Công ty LGG hoạt động trong lĩnh vực may mặc có giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt khoảng 150 triệu USD/năm. Nhận thức được sản xuất “xanh” đang là động lực và cũng là yêu cầu của nhiều khách hàng, từ năm 2020, Công ty LGG đã đầu tư hơn 12 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà, tổng công suất 1MW.
Từ khi đưa vào vận hành, mỗi tháng DN tiết kiệm 15% tiền điện so với trước. Vào những ngày nắng nóng, mái nhà xưởng được lắp tấm pin mát hơn, giúp công nhân làm việc trong môi trường thoải mái. Cách làm này là hướng đầu tư phát triển mới cho ngành dệt may vừa giúp đơn vị giảm chi phí; đồng thời giảm áp lực cho ngành điện và thân thiện với môi trường sống. Đến thời điểm hiện tại với số công suất nguồn điện năng lượng mặt trời cung cấp có thể đáp ứng vào những tháng cao điểm khoảng 40% lượng điện tiêu thụ của toàn nhà máy.
Ngoài ra, LGG sử dụng những biện pháp để tiết kiệm năng lượng, ví dụ như chuyển toàn bộ hệ thống đèn huỳnh quang trước đây sang hệ thống đèn LED hoặc có những chính sách về tiết kiệm năng lượng để phổ biến cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên.
Bên cạnh đó, cũng áp dụng những chính sách về chuyển đổi năng lượng. Ví dụ như trước đây sử dụng lò hơi đốt than thì đó là sử dụng năng lượng hóa thạch, số lượng khí phát thải ra ngoài cao hơn thì bây giờ đã chuyển sang sử dụng lò hơi đốt nhiên liệu sạch biomass sử dụng các hóa chất thân thiện hơn với môi trường và đảm bảo an toàn cho người lao động.
Trong hệ thống xử lý nước thải của nhà máy cũng được đảm bảo, nước thải đầu ra có thể tái sử dụng cho việc trồng cây hoặc là nuôi cá.
Nhà máy cũng chú trọng việc đánh giá những chứng chỉ về tái chế toàn cầu, chứng chỉ về sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc chứng chỉ lông vũ có trách nhiệm và rất nhiều chứng về trách nhiệm xã hội khác mà khách hàng yêu cầu trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng và hàng loạt những hoạt động về nâng cao nhận thức của người lao động.
Bà Nguyễn Thị Minh Hải - Trưởng ban Phát triển bền vững Công ty CP - Tổng công ty may Bắc Giang (LGG) cho biết, cũng giống như các doanh nghiệp dệt may khác, LGG cũng nằm trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, và những tiêu chuẩn xanh hóa của các khách hàng nhập khẩu thì đặt ra ngày càng chặt chẽ hơn, từ đó đòi hỏi mức độ nhận diện, ngăn chặn cũng như giảm thiểu và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội ngày càng cao.
Xu hướng “xanh hóa” là tất yếu đối với các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may. Bởi các doanh nghiệp châu Âu khi đánh giá, khảo sát nhà xưởng sẽ ưu tiên hợp tác, mua hàng của doanh nghiệp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất. Người châu Âu sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để mua sản phẩm có nguồn gốc được sản xuất từ năng lượng xanh.
Do đó, ngay từ đầu Ban Lãnh đạo LGG đã xác định sẽ đi tiên phong trong xanh hóa hướng đến phát triển bền vững. Đây là cơ hội để tiếp cận với chuỗi sản xuất minh bạch hơn, tiếp cận và tăng cường mối quan hệ hợp tác với chuỗi sản xuất xanh, đồng thời tiếp cận với các phương thức sản xuất tiên tiến với công nghệ tốt hơn, sử dụng các nguồn năng lượng sạch đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.
Với những nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng xanh cũng như thực hiện những hoạt động về phát triển xanh, phát triển bền vững, vị thế của LGG cũng được cải thiện, năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác cũng được khách hàng đánh giá cao. Không dừng lại ở đó, trong quá trình thực hiện các hoạt động xanh và bảo vệ môi trường đã tạo được lòng tin của chính những người lao động và cộng đồng địa phương xung quanh.
Mai Chi