Tự cắt tóc tại nhà đang trở thành hoạt động khá phổ biến với một số gia đình trong bối cảnh dịch bệnh và tình hình giãn cách xã hội kéo dài.

Quyết định sắm bộ tông đơ và chiếc kéo tỉa tóc, anh Thông (Cầu Giấy, Hà Nội) được vợ nói vui là “cây kéo vàng” của gia đình vào mỗi dịp cuối tuần. “Hai cháu trai ở nhà tóc mọc rất nhanh, việc tự cắt tóc vừa giúp gia đình tiết kiệm thời gian, vừa giúp các cháu tự tin học online hơn”, anh Thông tâm sự với Zing.

Tong do, keo cat toc hut khach anh 1

Đối với nhiều người, cắt tóc là thói quen không thể thiếu ngay cả trong thời điểm dịch bệnh. Ảnh: Lê Minh Hậu.

Nhờ nhu cầu tăng cao trong thời gian các tỉnh, thành phố siết chặt giãn cách, anh Võ - chủ cửa hàng kinh doanh dụng cụ cắt tóc trên một sàn thương mại điện tử - cho biết hơn một tháng qua, cửa hàng anh ghi nhận lượng đơn hàng tăng hơn 50% so với trước dịch. Trung bình, mỗi ngày cửa hàng anh bán ra 40-50 bộ tông đơ và kéo cắt tóc.

Với anh Võ, dòng tông đơ có mức giá tầm trung (khoảng 300.000 đồng/bộ) là loại bán chạy nhất. “Hầu hết khách hàng tìm đến đều không phải thợ cắt tóc chuyên nghiệp. Họ mua về để cắt tóc cho người thân nên ưu tiên loại tông đơ giá mềm, bền và dễ sử dụng”, anh Võ cho hay.

Thông thường, bên trong mỗi bộ tông đơ sẽ bao gồm tông đơ, 2-4 lược căn chỉnh độ dài, chai dầu máy, chổi phủi tóc, sạc và pin dự phòng. Thời hạn bảo hành những loại tông đơ này dao động 3-12 tháng, tùy vào nhãn hiệu và nhà cung cấp.

Theo tìm hiểu của Zing, trên thị trường hiện nay, thiết bị tông đơ cắt tóc được bày bán rộng rãi với đủ chủng loại. Người mua có thể dễ dàng so sánh, chọn lựa bởi mức giá phong phú, dao động từ 70.000 đến 350.000 đồng/bộ.

Tuy nhiên, với anh Võ, tông đơ cắt tóc là thiết bị điện. Do vậy, để đảm bảo an toàn và thuận lợi trong quá trình sử dụng, anh lưu ý người mua cân nhắc kỹ. "Chớ nên ham rẻ bởi kết cấu máy của dòng tông đơ giá rẻ thường nhanh hỏng, dễ gây giật điện hoặc xuất hiện tình trạng kẹt tóc khi cắt”, anh nói.

Tong do, keo cat toc hut khach anh 2

Trên các sàn TMĐT, thị trường tông đơ, kéo cắt tóc đa dạng chủng loại, mức giá. Ảnh: Linh Đỗ.

Chị Minh Thu - đại diện cửa hàng kinh doanh dụng cụ ngành tóc trên phố Huế (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - cho biết sau khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, cửa hàng chị tập trung bán online trên các sàn thương mại điện tử.

“Doanh thu trung bình cửa hàng tôi nhận được khoảng 12-15 triệu đồng/ngày, tăng gấp đôi so với trước dịch”, chị Thu kể. “Chủ yếu khách hàng đều có nhu cầu mua tông đơ và kéo cắt tóc. Nhưng những dụng cụ làm tóc khác vẫn ế ẩm”, chị nói thêm.

Nhận thấy nhu cầu về tông đơ tăng cao, chị Thu đồng thời mở rộng kinh doanh các loại tông đơ dành cho vật nuôi. Theo chị, tình hình dịch bệnh khiến nhiều gia đình nuôi thú cưng chật vật vì không thể đem chúng đi spa, cắt tỉa lông móng. Do đó, mặt hàng này có thể giúp các chủ nuôi “gỡ rối” tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh.

Ngoài ra, để tăng tuổi thọ và đảm bảo an toàn khi sử dụng các loại tông đơ, chị Thu thường xuyên dặn khách hàng hạn chế vừa sạc vừa dùng, vệ sinh máy sau mỗi lần sử dụng, nếu có dấu hiệu hở điện nên dừng sử dụng và liên hệ với nhà cung cấp để kịp thời khắc phục.

(Theo Zing)

Thắng lớn tháng cô hồn, ngồi nhà chốt đơn gần 1 tấn xôi ngũ sắc

Thắng lớn tháng cô hồn, ngồi nhà chốt đơn gần 1 tấn xôi ngũ sắc

Không ra chợ buôn bán vì dịch Covid-19, những ngày giãn cách xã hội này, chị Loan chỉ ngồi ở nhà bán xôi online. Điều bất ngờ, từ đầu tháng 7 Âm lịch tới giờ chị đã chốt đơn bán gần 1 tấn xôi ngũ sắc.