-Khi những ngày cuối năm ùa về, các cuộc họp tổng kết hoạt động của năm cũ, xây dựng kế hoạch, định hướng cho năm mới lại được khắp nơi tổ chức.

Tùy vào phẩm hàm, chức phận mà quy mô của mỗi cuộc tổng kết khác nhau. Tuy nhiên, ở không ít cơ quan, hoạt động này ngày càng phô trương về hình thức mà chất lượng không ngừng giảm đi, đến độ người ta phải tự hỏi có cần phải tổ chức quá nhiều, quá rình rang, tốn kém đến thế không?

Ở không ít cuộc tổng kết cấp bộ ngành, người tham dự đều được “chiêu đãi” một bảng tổng kết dài lê thê nhiều hạng mục đã biết trước.

Mô típ quen thuộc là, thành tích luôn nổi bật, năm nay bao giờ cũng phải tốt hơn năm trước. Hạn chế thì luôn bị chi phối bởi yếu tố “khách quan”: thiên tai, thiếu hụt nguồn lực, tình hình thế giới phức tạp...

Nhiều xã miền núi, nơi gần như chính phủ phải bao cấp 100% kinh phí cho bộ máy chính quyền cơ sở, hoạt động buôn bán không đáng kể cũng vẫn “bị ảnh hưởng” bởi toàn cầu hóa, khu vực hóa, xung đột đâu đó ở trời Tây khiến “việc chỉ đạo, hỗ trợ người dân sản xuất trên địa bàn” không hiệu quả.

Dường như ở nhiều mục, người ta chỉ việc thay đổi số năm, còn thì giữ lại từng con chữ, dấu phẩy. Cũng không hiếm ngoại lệ khi có báo cáo được chuẩn bị ẩu đến mức số năm chưa được sửa hết, số liệu của năm trước vẫn dùng cho cả năm sau, mặc cho 365 ngày đã trôi qua với bao biến chuyển.

{keywords}
Tổng kết luôn kết thúc bằng những cuộc nhậu.

Với những cuộc tổng kết ấy, cấp trên trực tiếp bao giờ cũng cử người đại diện xuống dự. Còn người họp thì sao, ban đầu có vẻ chăm chú lắng nghe, rồi thì bắt đầu rầm rì trao đổi nhỏ to, tin nhắn, điện thoại, lướt mạng. Cuối năm bộn bề, có nhiều thứ quan trọng, đáng để quan tâm hơn cái báo cáo tổng kết thành thích mà những người chuyên đi họp ngày nào chẳng nghe.

Sau màn đọc báo cáo, luôn có một vài người trong cơ quan được mời nhận xét về nội dung đã báo cáo. Thường thì đây là những nhân vật thân quen, đạt tầm chuyên gia bởi cuộc họp nào cũng chỉ quẩn quanh họ được chỉ định cho ý kiến. Vị nào cũng bắt đầu bài phát biểu của mình bằng việc khẳng định quán triệt, ủng hộ, hài lòng với bản báo cáo hết sức chi tiết, rõ ràng... Rồi thì phần kết thúc sẽ luôn hướng về lãnh đạo cấp trên để đề xuất, kiến nghị. Đa phần là kiến nghị tăng kinh phí, tăng biên chế cho hoạt động “đặc thù” của cơ quan mình.

Cuối cùng cũng đến phiên đại biểu dự hội nghị tổng kết được mời phát biểu. Hiển nhiên là vị nào cũng khẳng định rất phấn khởi trước thành tích của đơn vị, rồi thì động viên, hứa hẹn, khẳng định, cam kết, chỉ đạo và hy vọng. Thông điệp có thể sử dụng ở bất cứ hội nghị hay tổng kết nào.

Có vị chu đáo mang theo hẳn một bài phát biểu được đánh máy rõ ràng. Khi được mời, họ trang nghiêm, dõng dạc đọc từng câu, từng chữ đã được chau chuốt, nhất quyết không bỏ sót một dòng nào. Không ít lần, có vị vì được mời đi họp nhiều chỗ quá, đọc nhầm văn bản vốn được viết cho đơn vị khác bởi vô tình thò tay lấy nhầm túi.

Đương nhiên, buổi tổng kết nào cũng sẽ kết thúc bằng những tiếng vỗ tay, từng đợt như điệp khúc trong một bản giao hưởng. Âm lượng của những tràng vỗ tay ấy dường như tỷ lệ thuận với phẩm hàm của người phát biểu.

Rồi thì hoa, rồi thì phông màn, hoa quả, bánh kẹo tràn ngập. Chả cơ quan nào tiếc triệu bạc để in lấy một pa-nô cho buổi tổng kết, thế mới sang, mới hoành tráng, dù cho chỉ vài tiếng sau, những tấm bảng ấy trở thành phế phẩm.

Thực tình thì tôi tự hỏi, phòng họp nào cũng có máy chiếu, nếu muốn sang, sao không gõ mấy dòng trên máy tính, chiếu lên trong buổi lễ, thích hoa nào, màu nào, nhạc gì chỉ thao tác vài cú nhấp chuột, lãng phí thế kia để làm gì?

Nhưng đó vẫn là chuyện nhỏ, kèm theo các báo cáo gửi đại biểu luôn là những tấm phong bì xinh xắn mà chủ dành cho khách như một cách cảm ơn cho thời gian vàng ngọc mà họ bỏ ra. Độ nặng nhẹ của những chiếc phong bì này là một ẩn số mà không phải nhân viên nào trong cơ quan cũng có quyền được biết.

Ở nhiều địa phương, một buổi tổng kết thành công bao giờ cũng gồm phần “lễ” và “hội”. Phần lễ thì chỉ mất chừng 1-2 giờ trong khi phần “hội” thì luôn mở đến lúc cả chủ và khách không thể nâng cốc thêm nữa. Sau ẩm thực thì cần phải có giải trí, có thư giãn…

Thư giãn xong lại tổng kết, tổng kết rồi lại thư giãn. Chỉ điệp khúc đó, mà rồi chẳng mấy lại đến cuối năm sau.

Nguyễn Công Thảo

Các tin bài tổng kết năm:

Năm mới bàn chuyện sống tử tế

Đúng ra những người lớn chúng ta phải chịu trách nhiệm chính về chuyện này chứ không phải giới trẻ.

Lại tiếp tục ưu tiên phụ nữ... ăn cơm xó bếp?

Trong cái tiến trình vũ bão lao theo cỗ xe, đích tới của một xã hội văn minh hiện đại, mọi thứ tất tần tật khác cứ để người phụ nữ thoái mái bắt nhịp đồng ca với cộng đồng…

Con đường đưa Việt Nam đến văn minh

Con đường phát triển đi đến văn minh của dân tộc không cách nào khác. Chỉ có bước tới chứ đừng bước lui.

Viễn ảnh 2025

  Dự đoán tương lai thường là hành động của những người liều lĩnh hoặc dại khờ. Lịch sử đầy rẫy những tiên đoán của nhiều nhân vật nổi tiếng mà sau này chính họ cũng muốn rút lại.

Người Việt thiếu bao dung, ưa cấu kết

“Tính đố kỵ bào mòn chúng ta. Nhiều người không thích ai hơn mình, tìm cách che mờ người khác bằng chiêu trò  nhỏ mọn, góp phần làm xấu, làm suy yếu sức mạnh văn hóa dân tộc”.