Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Vật liệu xây dựng (VLXD) năm nay ghi nhận và tôn vinh những doanh nghiệp trụ cột trong ngành, với nhiều thành tựu đạt được trong việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng, thể hiện bản lĩnh vững vàng với năng lực tài chính ổn định, sức chống chịu tốt ngay cả khi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: từ sự suy giảm nguồn cung giai đoạn trước COVID-19, những hệ lụy của đại dịch cho tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, biến động giá nguyên vật liệu, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh… Mặc dù không tránh khỏi việc hoạt động sản xuất - kinh doanh chịu ảnh hưởng, song chính bối cảnh nhiều thách thức càng làm nổi bật những nỗ lực không ngừng và vai trò trụ cột của các doanh nghiệp tiêu biểu này.
Với nguyên tắc nghiên cứu độc lập - khoa học - khách quan, các doanh nghiệp được lọc ra từ cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp Việt Nam trong nghiên cứu xếp hạng của Vietnam Report thuộc ngành VLXD với dữ liệu tài chính cập nhật đến ngày 31/12/2022, kết hợp phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí trên truyền thông), khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan.
Danh sách 1: Top 10 Công ty Vật liệu xây dựng năm 2023
Danh sách 2: Top 5 Công ty Vật liệu xây dựng năm 2023 – Nhóm sản phẩm: Sắt, thép, tôn
Danh sách 3: Top 5 Công ty Vật liệu xây dựng năm 2023 – Nhóm sản phẩm: Gạch, đá ốp lát
Danh sách 4: Top 5 Công ty Vật liệu xây dựng năm 2023 – Nhóm sản phẩm: Cửa - tấm profile - vách ngăn: nhựa, nhôm kính, thạch cao
Trong năm vừa qua, làn sóng tăng giá VLXD diễn ra mạnh mẽ, nhiều mặt hàng ghi nhận mức tăng vượt đỉnh. Trải qua gần 30 lần điều chỉnh trong năm 2022, giá thép xây dựng có thời điểm lên đến gần 21 triệu đồng/tấn, vượt xa đỉnh cũ của năm 2021. Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng tăng 6,96%… Nguyên nhân là do tác động của giá nguyên liệu đầu vào từ quốc tế như xăng, dầu, than, giá cước vận tải… tăng cao và khan hiếm, dẫn đến chi phí khai thác và sản xuất tăng, tạo ra gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp.
Mặt khác, nhu cầu xây dựng yếu tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam khiến việc xuất khẩu của các doanh nghiệp VLXD trong năm qua gặp khó. Thị trường bất động sản trong nước trầm lắng do tín dụng ngành bị siết chặt khiến thị trường VLXD cuối năm ngoái với hàng trăm loại sản phẩm từ sắt thép, xi măng, thiết bị vệ sinh... cũng rơi vào cảnh ảm đạm. Trước các yếu tố bất lợi trên, tình hình tiêu thụ VLXD cả ngoại và nội địa năm qua đều không khả quan, lượng hàng tồn kho tăng cao.
Theo khảo sát của Vietnam Report, hai trở ngại lớn nhất mà doanh nghiệp phải đương đầu hiện nay là Biến động giá nguyên vật liệu và Tác động của suy thoái kinh tế đều ghi nhận mức tăng rõ rệt so với năm trước (+18,2% và +63,9%). Mức độ ảnh hưởng của Tác động suy thoái kinh tế được dự báo sẽ lan rộng hơn tới 85,7% số doanh nghiệp trong 12-18 tháng tới, làm suy giảm sức cầu VLXD và khả năng phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn chưa thể gạt bỏ hoàn toàn gánh nặng biến động giá nguyên liệu đầu vào. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, dự báo giá VLXD năm 2023 sẽ tiếp tục tăng 3,2%, do tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào.
Hình 1: Top 3 khó khăn của ngành Vật liệu xây dựng
Mặc dù đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát giữ thái độ thận trọng khi dự báo về triển vọng kinh doanh trong năm nay, nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực cho ngành VLXD. Đánh giá về những cơ hội lớn nhất đóng góp vào sự tăng trưởng, phần lớn các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nhận định rằng đầu tư công sẽ là động lực mạnh mẽ đưa thị trường hồi phục và phát triển trở lại. Năm 2023, Chính phủ dự kiến chi 793.000 tỷ đồng cho giải ngân đầu tư công, tương đương mức tăng 34% so với kế hoạch năm 2022. Với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng nhằm đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế ngay từ đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được kỳ vọng sẽ tăng từ 20-25% so với giải ngân thực tế năm 2022. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành VLXD.
Hình 2: Top 9 cơ hội đóng góp cho tăng trưởng của doanh nghiệp ngành VLXD trong năm 2023
Nỗ lực thích nghi với điều kiện mới, các doanh nghiệp ngành VLXD cần nâng cao sức chống chịu và năng lực cạnh tranh để bứt tốc trong thời gian tới. Chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp VLXD trong ngắn hạn tập trung vào 6 ưu tiên bao gồm: Đẩy mạnh đầu tư và phát triển ứng dụng công nghệ; Tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro; Mở rộng hoạt động cho tất cả các phân khúc, địa bàn hoạt động; Tăng cường hợp tác đầu tư; Cắt giảm chi phí; Phát triển các dòng sản phẩm và dịch vụ mới. Trong đó, các chiến lược thúc đẩy số hóa vẫn được doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong cả giai đoạn ngắn và trung hạn.
Hình 3: Top 6 chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp ngành VLXD trong ngắn và trung hạn
Việc xây dựng và cải thiện khả năng phục hồi, đương đầu khó khăn và vươn lên phát triển đòi hỏi cần nhiều thời gian, công sức và nguồn lực – nhưng đó là một khoản đầu tư đáng giá cho các doanh nghiệp VLXD nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Các doanh nghiệp trong nước đang dần chủ động xây dựng, triển khai một số giải pháp nâng cao khả năng phục hồi để giảm thiểu tác động của những rủi ro bằng cách có sẵn kế hoạch dự phòng, nhanh chóng thích ứng với các biến động thị trường, cũng như nắm bắt cơ hội mới mà sự gián đoạn tạo ra. Ví dụ, những thay đổi về quy chuẩn xây dựng hoặc quy định về môi trường có thể tạo ra nhu cầu đối với các sản phẩm hoặc dịch vụ mới, chẳng hạn như tái cấu trúc sản phẩm theo hướng gia tăng các sản phẩm thân thiện với môi trường, qua đó xác định bộ tiêu chuẩn ESG là hướng đi tất yếu giúp doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.
Vietnam Report