Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report dựa trên nguyên tắc khoa học, khách quan nhằm tôn vinh những doanh nghiệp trụ cột của ngành Vật liệu xây dựng (VLXD). Các doanh nghiệp được lọc ra từ cơ sở dữ liệu của Vietnam Report với dữ liệu tài chính cập nhật đến ngày 31/12/2023, kết hợp phương pháp Media Coding và khảo sát đối tượng nghiên cứu cùng các bên liên quan.

image001.png
 Top 10 Công ty Vật liệu xây dựng năm 2024
image00 2.jpg
Top 5 Công ty VLXD năm 2024 - Nhóm sản phẩm: Sắt, thép, tôn
image003.png
 Top 5 Công ty VLXD năm 2024 - Nhóm sản phẩm: Gạch, đá ốp lát
image004.png
 Top 5 Công ty VLXD năm 2024 - Nhóm sản phẩm: Cửa-tấm profile-vách ngăn: nhựa, nhôm kính, thạch cao

Bức tranh toàn ngành năm 2023: Tiếp nối sự ảm đạm

Nằm trong mắt xích cuối của chuỗi giá trị Bất động sản (BĐS) - Xây dựng - VLXD, ngành VLXD liên quan mật thiết đến các ngành còn lại và nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế vĩ mô khi các ngành này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP. 

Từ cuối năm 2022, những tín hiệu tiêu cực trên thị trường bất động sản kéo theo thị trường VLXD ảm đạm. Bất chấp những nỗ lực vực dậy thị trường, năm 2023, thị trường BĐS vẫn trải qua nhiều khó khăn. Các dự án, công trình chậm triển khai, nhu cầu thị trường giảm khiến nhiều doanh nghiệp VLXD chịu ảnh hưởng. 

Theo Bộ Xây dựng, phần lớn các mặt hàng VLXD đều ghi nhận mức suy giảm so với năm 2022 về cả sản lượng sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu. Cụ thể, sản lượng xi măng sản xuất năm 2023 ước đạt 89,4 triệu tấn, giảm 5,45%; lượng tiêu thụ khoảng 89 triệu tấn, giảm khoảng 6%; trong đó, tiêu dùng nội địa giảm 10% và xuất khẩu gần như đi ngang. Sản lượng gạch ốp lát sản xuất đạt 386,5 triệu m2, giảm 15%; sản lượng tiêu thụ khoảng 291,5 triệu m2, giảm 25%. Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt gần 12,5 triệu sản phẩm, giảm 25%. Vật liệu kính xây dựng sản xuất đạt khoảng 211 triệu m2, giảm khoảng 2%.

Thống kê kết quả kinh doanh của nhóm công ty đại chúng ngành VLXD do Vietnam Report thực hiện cho thấy, cả doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp đều giảm trong năm qua.

Về doanh thu, có 47% số doanh nghiệp có tổng doanh thu giảm dưới 25%; tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu giảm sâu trên 25% lên tới 31%. Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận mức giảm lợi nhuận hơn 25% tiếp tục gia tăng. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tăng 23,8% so với năm 2022.

image005.png
 Nguồn: Vietnam Report

Kết quả phân tích dữ liệu Media Coding của Vietnam Report cũng cho thấy ngành VLXD vẫn chưa thoát khỏi làn sóng tin tiêu cực từ cuối năm 2022. Tỷ lệ tin tiêu cực các tháng đều trên 10% lượng tin mã hóa trong tháng, ngoại trừ tháng 11/2023. Lượng tin tích cực có xu hướng tăng trong năm 2023, nhưng vào cuối năm 2023 - đầu năm 2024, tỷ lệ tin tích cực quay đầu giảm mạnh, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp công bố kết kinh doanh không mấy khả quan.

image06.png
 Nguồn: Vietnam Report

Cũng theo khảo sát, 5 khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp VLXD đang đối mặt bao gồm: Tình trạng hạn chế tài chính của người mua do kinh tế tăng trưởng chậm; Biến động giá nguyên vật liệu, VLXD; Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp; Đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế; Bất cân xứng cung - cầu.

image07.png
 Nguồn: Vietnam Report

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế đất nước nói chung, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về tài chính (trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất điều hành, điều kiện cho vay…), các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. Song những giải pháp này vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, chẳng hạn như một số doanh nghiệp cần vay vốn vẫn chưa tiếp cận được vì không thể thế chấp bằng sản phẩm được hình thành từ nguồn vốn vay là sản phẩm VLXD.

Triển vọng năm 2024: Chưa thể xuất hiện “cú hích”

Khảo sát doanh nghiệp VLXD của Vietnam Report cho thấy, năm vừa qua, 5 động lực lớn nhất đóng góp vào kết quả kinh doanh là: Uy tín, thương hiệu trên thị trường; Ứng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý và vận hành; Phát triển các dòng sản phẩm mới, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh; Rà soát, cắt giảm và sử dụng chi phí hiệu quả; Sẵn đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, kỷ luật cao. Đặc biệt, đây đều là động lực từ bên trong doanh nghiệp. 

Trong số ba động lực bên ngoài, đầu tư công được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng được cải thiện được đánh giá cao nhất (65%). Đây là lực đẩy lớn cho thị trường VLXD, bởi từ những tháng cuối năm 2023, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công như các đường vành đai, cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành… 

image08.png
 Nguồn: Vietnam Report

Bước tiếp theo trên con đường xanh hóa 

Các ngành tiêu biểu như xi măng, thép, sứ vệ sinh, kính xây dựng, gạch ốp lát… đều tiêu thụ lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng trong quá trình sản xuất. Xanh hóa ngành VLXD là con đường tất yếu mà doanh nghiệp phải lựa chọn nhằm hạn chế phụ thuộc vào tài nguyên khan hiếm, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG). 

Theo khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp VLXD, 17,5% doanh nghiệp đang ở giai đoạn lập kế hoạch ESG; 59,3% doanh nghiệp đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết; 23,2% doanh nghiệp đã lập kế hoạch và triển khai toàn diện cam kết. Việc thực hành ESG hay những cam kết về phát triển bền vững không còn là lựa chọn của doanh nghiệp mà đã trở thành bắt buộc khi EU đã áp dụng thuế phát thải carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). 

Thách thức lớn nhất hiện nay là Việt Nam chưa có khung hành lang pháp lý về xây dựng cơ chế định giá carbon rõ ràng. Sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn nếu các doanh nghiệp trong nước chưa đầu tư các công nghệ thu hồi, giảm phát thải mà vẫn sử dụng nhiên liệu truyền thống, dẫn tới chi phí cho sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU tăng.

Bên cạnh đó, những cơ hội kinh doanh mới đang mở ra. Nhiều quốc gia khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… có thể sẽ áp dụng cơ chế thu thuế khí CO2 đối với hàng nhập khẩu. Như vậy, phạm vi ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường trọng điểm trên thế giới sẽ rộng hơn.

(Nguồn: Vietnam Report)