Tôi rất thích ăn khế và thường chế biến các món canh chua, salad, ăn kèm đồ cuốn. Ăn quả khế có tác dụng gì cho sức khỏe không? (Hoàng Thị Nhân - 34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội).
Lương Y Đỗ Minh Tuấn - Hội Đông Y Hà Nội tư vấn:
Ngoài công dụng làm thực phẩm, cây cảnh, khế còn là vị thuốc chữa bệnh được sử dụng trong Đông y từ rất lâu. Khế còn được gọi là ngũ liễm tử có vị chua ngọt, tính bình tươi hơi mát, chín thì ôn, có tác dụng sinh tân dịch giải khát, lợi tiểu, trị phong nhiệt giải độc. Các bộ phận khác của cây khế cũng được dùng chữa nhiều bệnh, nhất là khi bị dị ứng gây nổi mẩn ngoài da do nhiều nguyên nhân.
Trong khế tươi chứa axit oxalic, các yếu tố vi lượng như canxi, sắt, natri và nhất là vitamin K cùng vitamin A, C, B1, B2 và P… Trong 100g khế tươi có 93,5g nước, 0,6g protein, 3,1g gluxít, 2,6g xenluloza.
Trong đó, quả khế có 4 tác dụng chính sau:
1. Khắc tinh của cholesterol (mỡ máu) xấu: Khế chứa vitamin A và một lượng lớn chất xơ, các hợp chất quercetin, axit gallic và epicatechin đều có đặc tính chống oxy hóa mạnh cũng như khắc tinh của lượng cholesterol xấu trong cơ thể.
2. Tốt cho tiêu hóa: Hàm lượng chất xơ dồi dào mang lại khả năng cải thiện, tăng nhu động ruột, hạn chế bệnh táo bón. Bổ sung khế sẽ giúp nhu động ruột hoạt động tốt, phòng ngừa chứng khó tiêu.
3. Hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Quả khế rất giàu kali, duy trì sức khỏe tim mạch tốt. Việc kết hợp khế với các món ăn hằng ngày là cách tốt và ít tốn kém để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
4. Tốt cho mắt: Nhiều chuyên gia dinh dưỡng nhận định rằng khế là nguồn bổ sung vitamin A tốt cho thị lực. Ăn thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể hay thoái hóa điểm vàng.
Có một số bài thuốc Đông y dùng quả khế có thể áp dụng:
Chữa cảm nắng, cảm nóng: Lấy một quả khế già chưa chín, nướng qua, sắc nước uống.
Chữa lở loét, mụn nhọt: Nấu nước lá khế kết hợp với lá thanh hao, lá long não làm nước tắm, hoặc nấu nước quả khế rửa chỗ đau hằng ngày.
Tiểu tiện không thông: Lấy một quả khế giã nát với một củ tỏi, đắp vào rốn để chữa tiểu tiện không thông. Phụ nữ sau khi sinh dùng nước sắc quả khế 20g với vỏ cây hồng bì 30g, rễ sử quân 20g, uống rất tốt.
Sốt cao co giật: Khế 10g, lá dây đòn gánh 10g, lá ngải cứu 8g, lá nhọ nồi 8g, rễ táo rừng 6g phơi khô, sao vàng sắc uống.
Sỏi bàng quang: Khế tươi 5 quả, mật ong lượng vừa đủ. Khế rửa sạch, thái miếng rồi cho vào nồi sắc với 3 bát nước, cô lại còn 1 bát, hòa mật ong chia uống 2 lần trong ngày. Có công dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu, đặc biệt tốt với sỏi bàng quang, viêm bàng quang.
Chống ho, trị viêm: Mướp tươi 500g, khế 200g, đường trắng lượng vừa đủ. Mướp gọt vỏ, khế rửa sạch, thái vụn, ép lấy nước, hòa đường trắng, chia uống vài lần trong ngày.