Xem nhanh:
  • • Bánh gai Chiêm Hóa
  • • Cam sành Hàm Yên
  • • Gỏi cá bỗng sông Lô
  • • Hồng ngâm Xuân Vân
  • • Nộm da trâu

Bánh gai Chiêm Hóa

Ở vùng Chiêm Hóa, Tuyên Quang, bánh gai là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, gắn bó với bao thế hệ người dân nơi đây. Món bánh này thường được bà con làm vào dịp rằm tháng 7 hàng năm để dâng lên ông bà tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn, hiếu thảo của con cháu đến với các bậc tiền nhân trong dòng họ.

Bánh gai Chiêm Hóa có hương vị thanh mát, ngọt dịu với phần nhân làm từ đậu xanh và dừa. Bánh có mùi thơm từ đường mía, lá gai và bên ngoài bọc lá chuối khô (Ảnh: Nguyễn Lệ Huyền).

Cam sành Hàm Yên

Không chỉ nổi tiếng trong vùng, cam sành Hàm Yên còn là một trong những loại cam có thương hiệu khắp cả nước. Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi mà cam trồng ở huyện Hàm Yên khi chín có màu vàng sậm, mang hương vị đặc trưng riêng, vị ngọt khác hẳn cam sành vùng khác với tỷ lệ đường trong quả đạt tới 16%.

Cam sành Hàm Yên từng được tổ chức kỷ lục Việt Nam chứng nhận và công bố “Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam” (Ảnh: Thuy Thuy).

Những tép cam vàng mọng nước, thơm ngon, thanh mát, chứa hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài ra, trong quả cam sành Hàm Yên còn có nhiều chất axit hữu cơ, nhất là loại axit có hoạt tính sinh học cao cùng các chất khoáng và dầu thơm.

Gỏi cá bỗng sông Lô

Nhắc đến đặc sản Tuyên Quang, thực khách không thể không kể đến món gỏi cá bỗng sông Lô. Đây là món nhậu “khoái khẩu” được “cánh mày râu” yêu thích, xuất hiện trong những bữa cơm hàng ngày hay tiệc chiêu đãi khách quý.

Để món gỏi cá thơm ngon, người ta thường chọn những con cá bỗng có tuổi đời 1,5-2 năm, trọng lượng từ 2kg trở lên (Ảnh: Chang's Restaurant).

Tuy nhiên, gỏi cá bỗng nơi đây không giống như các loại gỏi cá thường chế biến cùng thính gạo. Người địa phương sẽ đem phần xương cá ra cán mịn, sau đó rang vàng rồi trộn đều với lạc rang giã nhuyễn.

Sau khi phi lê cá, những phần thừa và xương cá sẽ được băm nhỏ, rang lên, phi thơm cùng hành tỏi và các gia vị khác với tỷ lệ riêng, tạo nên thứ nước chấm sánh mịn thơm ngon, gọi là "chẻo". Khi thưởng thức, thực khách cuốn lát cá mỏng với rau sống, chấm kèm “chẻo” rất thơm ngon.

Hồng ngâm Xuân Vân

Mảnh đất Yên Sơn nổi tiếng với nhiều thức quả ngon và hấp dẫn như bưởi Soi Hà, Na Lực Hành, Nhãn Bình Ca,.. và trong đó không thể không nhắc đến hồng ngâm Xuân Vân. Đây cũng là loại quả thường xuất hiện trên mâm cỗ dịp Tết Trung thu, được nhiều người yêu thích.

Hồng ngâm Xuân Vân được đánh giá là chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Ngoài đường, Vitamin C, loại quả này còn cung cấp một số dưỡng chất như kali, phốt pho, sắt… đặc biệt là không chứa cholesterol và chất béo (Ảnh: Sạch +).

Qảu hồng trồng ở vùng Xuân Vân có dáng thon nhỏ, không hạt. Vào mùa, hồng chuyển sang màu vàng căng bóng. Lúc này, bà con sẽ thu hoạch, đem rửa sạch hồng rồi ngâm nước trong 3 ngày 2 đêm là có thể thưởng thức. Hồng ngâm nơi đây có vị ngọt dịu, thịt dày và giòn, ăn lạ miệng.

Nộm da trâu

Từ nguyên liệu da trâu, người Tày ở huyện Lâm Bình, Tuyên Quang với sự sáng tạo và đôi tay tài hoa đã chế biến thành món đặc sản dân dã, góp mặt trong bữa cơm dịp lễ, Tết hay sự kiện trọng đại của bà con địa phương.

Để chế biến da trâu, người ta phải hơ qua lửa rồi ngâm với nước lã, làm sạch, sau đó đem luộc da trâu từ 1,5 – 2 giờ. Sau khi luộc xong, để nguội, da trâu sẽ được thái thành vát chéo, mỏng và đều tay. Nếu thái mỏng vừa phải, miếng da sẽ đạt độ giòn dai sần sần, ăn rất ngon.

Điều làm nên sức hấp dẫn cho món nộm da trâu là sự kết hợp của nhiều loại gia vị như lạc, ớt, rau mùi, gừng,… Tất cả trộn đều với nhau, thêm nước chấm chua ngọt, đủ “chiều lòng” cả những vị khách khó tính nhất (Ảnh: Thịt trâu Cường Nghị). 

Ngoài các món ăn kể trên, du khách tới Tuyên Quang có thể chọn một số đặc sản mua về làm quà cho bạn bè, người thân như chè bát tiên, măng khô, mắm cá ruộng Chiêm Hóa, ngô nếp Soi Lâm, thịt gác bếp, bánh trứng kiến, thịt lợn đen,…