Đây là kết quả nghiên cứu khách quan, khoa học và độc lập của Vietnam Report, được công bố trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. 

Top 10 của bảng xếp hạng Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023

 Nguồn: Vietnam Report, Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả, tháng 5/2023 (https://top50vietnam.net/)

Sau giai đoạn thăng hoa 2020-2021, năm 2022, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chịu sức ép từ bối cảnh diễn biến địa chính trị, kinh tế vĩ mô bất ổn và chính sách tiền tệ thắt chặt của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, môi trường lãi suất cao, áp lực tỷ giá cùng với sự sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào kênh dẫn vốn. 

Gam màu tiêu cực bao phủ thị trường từ tháng 4 và duy trì gần hết năm 2022. Chỉ số VN-Index lao dốc từ mức cao nhất mọi thời đại trên 1.500 điểm thiết lập vào ngày 6/1/2022 xuống mức thấp nhất là 874 điểm vào giữa tháng 11/2022. Tổng mức huy động vốn trên TTCK năm 2022 đạt 351.831 tỷ đồng, giảm 22% so với năm trước. 

Trên thị trường cổ phiếu, giá cổ phiếu giảm sâu, một số nhóm ngành thậm chí có mức giảm mạnh hơn so với chỉ số VN-Index như: Bất động sản thương mại, chứng khoán, thép… Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lại trầm lắng. Tính cả năm 2022, tổng giá trị TPDN phát hành ước đạt 269.733 tỷ đồng, giảm 64,4% so với 2021. Đặc biệt, trong quý IV/2023 không có trái phiếu phát hành ra công chúng. Kết thúc năm 2022, lợi nhuận toàn thị trường tăng trưởng ở mức khiêm tốn 5,9% so với 2021. 

Mặc dù trải qua sự sụt giảm mạnh nhất trong 14 năm trở lại đây, TTCK Việt Nam vẫn có những điểm sáng trong năm qua khi ghi nhận kỷ lục về số lượng nhà đầu tư mở tài khoản mới, mức định giá thị trường ở vùng thấp trong nhiều năm mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư dài hạn, khối ngoại mua ròng mạnh mẽ từ nửa cuối quý IV/2022 đã giúp chỉ số hồi phục và tạo đà tâm lý cho thị trường quý I/2023.

Số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán mở hàng năm và diễn biến chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm. Nguồn: HNX, HSX, VDS

4 tháng đầu năm 2023, TTCK Việt Nam giằng co phân hóa, đan xen tăng, giảm liên tục với tác động mạnh mẽ từ nhiều yếu tố trong và ngoài nước: sự mở cửa trở lại của Trung Quốc, tin tức về bất ổn trong hệ thống ngân hàng tại Mỹ và châu Âu, chính sách hỗ trợ cho thị trường của Ngân hàng Nhà nước, sự đảo chiều mua ròng - bán ròng của khối ngoại… Tính đến cuối tháng 4/2023, chỉ số VN-Index giảm so với tháng trước, song so với đầu năm, các chỉ số chứng khoán vẫn duy trì tăng trưởng dương. Thanh khoản thị trường khả quan hơn khi chứng kiến mức tăng theo tháng lần đầu tiên trong năm 2023 sau nhiều tháng giảm liên tiếp.

Trạng thái liên tục biến động của nền kinh tế và TTCK đòi hỏi sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng tận dụng cơ hội để tăng trưởng của doanh nghiệp. Đặc biệt, khi niềm tin thị trường ở mức thấp, uy tín và hiệu quả đóng vai trò cốt lõi đối với các doanh nghiệp đại chúng vì quyết định đến niềm tin của nhà đầu tư, cải thiện khả năng tiếp cận vốn, tác động đến định giá thị trường, mang lại lợi thế cạnh tranh và củng cố mối quan hệ với các bên liên quan. 

Những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp đại chúng trên thang điểm 5. Nguồn: Vietnam Report

Cả 4 yếu tố liên quan đến chỉ tiêu năng lực tài chính: Kết quả kinh doanh, Hiệu quả kinh doanh, Lãi cơ bản trên cổ phiếu, Thanh khoản và định giá doanh nghiệp đều góp mặt trong top 7 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp đại chúng năm nay và ghi nhận sự gia tăng mức độ ảnh hưởng. Đáng chú ý, Chính sách cổ tức (gắn liền với quản trị doanh nghiệp) đã vươn lên từ vị trí thứ 8 năm ngoái trở thành yếu tố ảnh hưởng lớn thứ 6. 

Kết quả khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng các yếu tố liên quan đến công tác truyền thông ghi nhận gia tăng tác động lớn nhất đến mức độ uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp. Các phương tiện truyền thông có thể có tác động đáng kể đến các doanh nghiệp đại chúng thông qua: giá cổ phiếu, nhận thức của công chúng, mối quan hệ của các bên liên quan và các quyết định chiến lược. 

Khi thị trường nhìn chung vẫn khó đoán định với các yếu tố rủi ro từ trong và ngoài nước, đa số doanh nghiệp giữ thái độ không quá lạc quan về triển vọng TTCK 6 tháng cuối năm. Có 55,6% số doanh nghiệp đánh giá thị trường sẽ tăng giảm đan xen trong nửa cuối năm nay trong khi 22,2% số doanh nghiệp nhận định thị trường ở trạng thái trầm lắng, thanh khoản cầm chừng. Nhiều chuyên gia cho rằng TTCK có thể vẫn dao động đi ngang trong hai quý đầu và có những tín hiệu để kỳ vọng vào diễn biến tích cực hơn trong nửa sau của năm 2023.

Một số yếu tố có thể gây ra những tác động lớn trên TTCK Việt Nam trong năm nay bao gồm: Triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam; Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero - Covid, mở cửa trở lại; Đẩy mạnh chương trình phục hồi và đầu tư công; Diến biến dòng vốn đầu tư của khối ngoại; Diễn biến thanh khoản trên thị trường trái phiếu…

 Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 4-5/2023

Top 6 ngành có cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất giai đoạn 2022 - 2023

Trong bối cảnh khó khăn chung, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, top 6 ngành được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá tiềm tăng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất là: Ngân hàng, Sản xuất thực phẩm, Sản xuất & Phân phối Điện, Sản xuất Dầu khí, Du lịch & Giải trí, Dược phẩm, Xây dựng & Vật liệu.

 Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2022 và tháng 4-5/2023

Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng quý I/2023 chỉ đạt 2,06%, thấp hơn so với mức tăng 5,04% cùng kỳ 2022 khiến lợi nhuận ngân hàng không đạt kỳ vọng. Mặc dù các ngân hàng đều điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận nhưng đây vẫn là ngành có mức điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận ít nhất. Khi khó khăn là tình trạng chung của các ngành, ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng có tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng sẽ có nhiều cổ phiếu tăng trưởng nhất trong năm 2023 cao nhất, đạt 75,7%, tăng so với mức 46,2% của năm 2022. Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Bên cạnh đó, ngành phòng thủ như ngành Điện cũng vươn lên lọt top với 50% số chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá có nhiều cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn so với các ngành khác (+19,2% so với kết quả khảo sát cách đây một năm). Đà tăng của nhóm ngành điện bắt đầu từ khi mở cửa sau Covid-19, lượng điện tiêu thụ tăng khi các nhà máy dần đi vào động. 

Đáng chú ý, Dự thảo Quy hoạch điện VIII chính thức được phê duyệt vào ngày 15/5 được nhiều chuyên gia nhận định là động lực thúc đẩy mạnh. Giá điện chính thức được điều chỉnh tăng từ ngày 4/5 cũng tác động đến nhiều nhóm ngành, trong đó, nhiều cổ phiếu ngành năng lượng điện dự đoán sẽ được hưởng lợi.

Ngoài ra, top 6 còn có sự góp mặt của Xây dựng & Vật liệu với niềm tin vào việc hưởng lợi trực tiếp từ các dự án đầu tư công của chính phủ và ngành Du lịch & Giải trí với tiềm năng bứt phá mạnh sau Covid-19, đặc biệt là với những biện pháp nới lỏng các quy định nhập cảnh du lịch, cấp thị thực điện tử và lực đẩy từ dòng khách ngoại, trong đó có Trung Quốc. 

So sánh với các năm trước, ngành có vốn hóa lớn thứ hai là bất động sản không còn ở trong top 6. Theo thống kê, nhóm ngành quản lý và phát triển bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng 37,9% trong quý I/2023, nhưng đây được cho là ảnh hưởng từ hoạt động kinh doanh những năm trước. Thanh khoản hiện tại của ngành được đánh giá ở mức thấp, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn rất lớn. Hiện tại, nhóm ngành này chưa có tín hiệu tăng trưởng rõ rệt mà đang trong giai đoạn chuyển mình, tái phân bổ các phân khúc, chờ các tác động của chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, cũng như tác động lan tỏa của đầu tư công. 

Nhìn nhận chung về tất cả các ngành trên TTCK, đa số các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát có chung quan điểm rằng kịch bản về một sự đột phá của bất kỳ nhóm ngành nào trên toàn thị trường sẽ khó xảy ra. Top 6 kể trên là những ngành được đánh giá ổn định và có cơ hội có nhiều cổ phiếu khởi sắc hơn so với mặt bằng chung chưa tích cực của các ngành còn lại. 

Hiện tại, phần lớn đều kỳ vọng lớn vào loạt chính sách hỗ trợ từ các bộ, ban ngành từ các chính sách tài chính cho đến tiền tệ dần thẩm thấu và phát huy hiệu quả để tốc độ tăng trưởng có thể tăng lên từ những quý sau của năm.

Năm 2023, TTCK còn nhiều thách thức lớn cần giải quyết. Tuy nhiên, không thể phủ định những điểm sáng và cơ hội mới trên thị trường. Dù được dự báo không quá hứa hẹn để có một câu chuyện mang tính đột phá cho triển vọng TTCK ở thời điểm hiện tại, song với các yếu tố hỗ trợ cả từ trong và ngoài nước, sự thích ứng linh hoạt và chủ động của các doanh nghiệp và đặc biệt là trợ lực rất lớn từ phía Chính phủ với những động thái sát cánh, đồng hành, tháo gỡ các nút thắt còn tồn đọng, TTCK có cơ sở để kỳ vọng trưởng thành hơn trong thời gian tới.

(Nguồn: Vietnam Report)