Chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan diện rộng, đặc biệt là chủng cúm gia cầm độc lực cao A/H5N8 và các dịch bệnh gia cầm nguy hiểm, TP Cần Thơ đề ra mục tiêu và nhiều giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia cầm năm 2021.

Cụ thể: Xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh từ cơ sở đến thành phố nhằm phát hiện sớm, chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh; từng bước khống chế các bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi như: bệnh cúm gia cầm.

{keywords}
Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ảnh Thanh Hà

Chủ động triển khai có hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia cầm trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh và kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các dịch bệnh xảy ra (nếu có).

UBND thành phố yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia cầm. Quản lý, giám sát dịch bệnh đến tận chuồng, trại và hộ gia đình nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở. Chỉ đạo kiên quyết, nhanh gọn, đúng thời gian, đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao về phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư.

Đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng bệnh. Tiêm phòng gia cầm trên toàn thành phố, trừ những cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung. Đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và được cơ quan chuyên môn lấy mẫu, xét nghiệm có kết quả âm tính. 

Thời gian tiêm phòng tập trung vào 03 đợt (đợt 1: từ tháng 1 đến tháng 3; đợt 2: từ tháng 5 đến tháng 7; đợt 3: từ tháng 9 đến tháng 11).

Căn cứ điều kiện chăn nuôi, khí hậu thời tiết, đặc điểm tại các địa phương để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tiêm phòng cho gia cầm phù hợp và bảo đảm hiệu quả.

Ngoài thời gian tiêm phòng định kỳ theo các đợt chính nêu trên, Chi cục Chăn nuôi và thú y tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc gia cầm mới phát sinh hoặc đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ. Đồng thời, cung ứng vắc xin tiêm phòng theo nhu cầu của địa phương, đảm bảo kịp thời và đạt hiệu quả.

Tiêm phòng khẩn cấp khi phát hiện có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên đàn gia cầm. Tiến hành tổ chức tiêm phòng khẩn cấp cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn phòng, chống của từng loại bệnh được quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT và các văn bản hướng dẫn khác của cơ quan chuyên môn cấp trên.

Ngân sách thành phố hỗ trợ 100% tiền mua văc-xin cho các hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô dưới 2.000 con/hộ. Các hộ chăn nuôi phải trả tiền công tiêm phòng theo quy định của Nhà nước. Các cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô từ 2.000 con/cơ sở trở lên, tự đảm bảo kinh phí tiêm phòng.

Thanh Hà