Long Xuyên có 11 phường và 2 xã Mỹ Khánh và Mỹ Hòa Hưng. Mặc dù 2 xã này đều gặp nhiều khó khăn song với quyết tâm của TP và 2 xã nên trong 2 năm 2015 và 2016, cả 2 xã này đều đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2018, TP Long Xuyên đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào tháng 7/2019. 

xã Mỹ Khánh TP Long Xuyên An Giang.jpg
Xã Mỹ Khánh là một trong hai xã khó khăn nhất của TP Long Xuyên, song với quyết tâm xây dựng nông thôn mới, năm 2015 Mỹ Khánh đã hoàn thành và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm 2024, thành phố tiếp tục phấn đấu 2/2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, từng bước nâng chất, hoàn thiện các điều kiện theo quy định nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu đạt chuẩn theo lĩnh vực và thời gian đăng ký. 

TP xác định, xây dựng nông thôn mới nhằm phát triển toàn diện nông thôn Long Xuyên, đảm bảo sự công bằng và hài hòa trong phát triển giữa thành thị và nông thôn, ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư triển khai chương trình, tập trung vào các tiêu chí chưa đạt để nâng chất tiêu chí; đồng thời tổ chức duy trì và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đã được TP chú trọng triển khai.

Để phát triển toàn diện vùng nông thôn, đảm bảo hài hoà trong việc phát triển gữa thành thị và nông thôn, TP tiếp tục thực hiện các nội dung Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, TP đã mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn nhằm giải quyết công ăn việc, giúp người nông dân tăng thu nhập, ổn định đời sống. 

Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, TP huy động tối đa các nguồn lực nhằm bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Điển hình là TP đã cho ra mắt mô hình “Tổ hợp tác xe mô tô giao hàng, đưa rước khách”, mô hình này sẽ tạo điều kiện cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thiếu vốn sản xuất, có công việc, thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo bền vững; đồng thời, tạo nguồn sinh kế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn TP thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đây cũng là tiền đề quan trọng để các địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo nghề và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện địa hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó, góp phần xây dựng các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Những năm qua TP Long Xuyên cũng đã đầu tư nhiều trong lĩnh vực giáo dục giúp ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả giáo dục ngày càng được nâng cao về chất lượng ở tất cả các bậc học; thực hiện tốt việc duy trì và giữ vững đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,15%; 100% trẻ 5 tuổi đều được đến trường, lớp; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; 13/13 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2; tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS đạt tỉ lệ 100%. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 49/56 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 87,5%. 

Tính đến nay, tỷ lệ BHYT toàn dân của toàn TP đạt 83,88%; giải quyết việc làm cho lao động đạt 2.508 lao động, đào tạo nghề cho 1.019 lao động; tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,8%. 

Để chương trình xây dựng nông thôn mới có chiều sâu, thực chất, TP xác định công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình phải đảm bảo nguyên tắc tập trung cho cơ sở. Đầu tiên là công tác tuyên truyền vận động phải bám sát vào mục tiêu kế hoạch đề ra, huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện chương trình; đồng thời tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ và Nhân dân trong việc tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. 

TP cũng xác định để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp phải tiên quyết, đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó tạo ra các sản phẩm OCOP phục vụ du lịch và xuất khẩu bền vững. 

Hiện nay, TP đã hỗ trợ 4 mô hình sản xuất phục vụ xây dựng nông thôn mới. Thành phố đã thông qua hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh 1 sản phẩm, khảo sát chọn 24 sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP 2024; có 8/13 xã, phường có sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình. 

Mới đây, TP Long Xuyên vừa phát động thi đua xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 nhằm lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Mục tiêu chung của đợt thi đua xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 là xây dựng nông thôn phát triển đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, môi trường được đảm bảo, an ninh trật tự xã hội được giữ vững; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ gắn với du lịch sinh thái. Xây dựng hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, đảm bảo định hướng phát triển lâu dài, kết nối; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.