Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình, mới đây UBND thành phố Thái Bình triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thời gian từ 25/10- 25/11/2021.

{keywords}
TP Thái Bình khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi.

Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của cộng đồng, người dân tích cực tham gia các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; hạn chế và ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát, lây lan dịch bệnh. Góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, môi trường, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi, nhất là trong tình hình dịch bệnh gia súc đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Mục tiêu kế hoạch là ngăn chặn và tiêu diệt virus dịch tả lợn châu Phi tái phát và các chủng virus gây bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc như: Lở mồm long móng, viêm tai xanh, tụ huyết trùng… Bảo đảm cho chăn nuôi an toàn, bền vững, góp phần tích cực khống chế dịch bệnh gia súc.

UBND thành phố yêu cầu các phòng, ban liên quan, các địa phương tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các chợ, trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật, nơi có nguy cơ tồn trú mầm bệnh. Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, khu phố, rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng ở những điểm trọng yếu… 

UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố thành lập tổ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tiến hành quét dọn, thu gom phân, rác thải để tiêu hủy; phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán gia súc và các vật dụng liên quan.

Công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và các hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng vắc xin, giám sát, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc của thành phố được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. 

Hai tháng cuối năm 2021 và quý I/2022, để đảm bảo an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, ngành chăn nuôi và thú y thành phố tiếp tục hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chú ý chống rét đậm, rét hại cho đàn vật nuôi.

Thực hiện tốt công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, các hộ chăn nuôi duy trì công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bảo vệ đàn vật nuôi theo định kỳ.

Mạnh Hưng