UBND TP.HCM vừa phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020-2025 và kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030.

{keywords}
Ngập nước ở TP.HCM vẫn thường xuyên xảy ra mỗi khi mưa lớn, triều cường dâng cao

Để cơ bản chống ngập đến năm 2025, TP cho biết phải cần 107.200 tỷ đồng để thực hiện các quy hoạch, nhiệm vụ chính. Đầu tiên là Quy hoạch 752 với 16 dự án, kế đó là Quy hoạch 1547 với gần 29 dự án, cộng thêm 70 dự án cải thiện hệ thống thoát nước, 7 hồ điều tiết và nhiều công trình nạo vét kênh, xử lý nước thải…

Trong 5 năm tới, đề án đề ra mục tiêu không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550 km2 thuộc giai đoạn 2016-2020. Tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm TP rộng 106,41 km2, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của TP.

Cùng với đó, TP sẽ thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước, giải quyết ngập cho 15 tuyến đường còn lại. Bao gồm ngập do mưa như Tân Quý, Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Hồ Học Lãm, Quốc lộ 13. Đường Ba Vân, Trương Công Định, Bàu Cát, Đặng Thị Rành, Đương Văn Cam, Nguyễn Hữu Cảnh, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân (thuộc danh sách các tuyến đường ngập nước đã xử lý bằng giải pháp cấp bách). 3 điểm ngập phát sinh gồm Nguyễn Văn Khối, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng.

{keywords}
Người dân TP.HCM ngao ngán với tình trạng ngập 

 

TP cũng đặt mục tiêu xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt là khu vực phía đông TP. Thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm TP về phía Nam.

Ngoài ra sẽ hoàn thiện giai đoạn 1 Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 3. Mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải gồm Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc, Suối Nhum trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện thi công hoàn thành giai đoạn 2026-2030. Sau khi các dự án hoàn thành, TP ước tính tỉ lệ nước thải được xử lý trên toàn TP đạt 88,3%.  

Song song đó, TP sẽ tập trung đầu tư thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật)… và dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải TP.HCM (lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên). Hai dự án này sẽ hoàn thành năm 2025.

Dự án nạo vét trục thoát nước kênh Đôi, kênh Tẻ và rạch Bến Nghé nhằm tăng cường thoát nước trong nội thành cũng được khởi công trong năm 2021 và hoàn thành vào năm 2023.

Đến năm 2022, TP sẽ khởi công dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ - Đôi - Tẻ (giai đoạn 3) và hoàn thành vào năm 2027.

Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn sẽ được khởi công năm 2023 và hoàn thành vào năm 2028.

Ngoài ra, TP sẽ đầu tư 2 nhà máy xử lý nước thải là xây dựng hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè và hoàn thành dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2). 

Trong giai đoạn 2026-2030, TP sẽ tập trung nguồn lực thực hiện các dự án dự báo, kiểm soát ngập nước nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu.
Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước theo quy hoạch tại khu vực ngoại vi. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án nạo vét trục thoát nước chính, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch đường sông. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các lưu vực dân cư đông như bắc Sài Gòn, tây Sài Gòn, nam Sài Gòn. 

 

Mưa mù trời cuối chiều, khắp nơi Sài Gòn ngập nặng

Mưa mù trời cuối chiều, khắp nơi Sài Gòn ngập nặng

Mưa lớn vào cuối buổi chiều đã gây ngập nặng nhiều tuyến đường ở Sài Gòn.

Tuấn Kiệt