Chiều 11/9, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình và Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo công bố thông tin về dịch bệnh trên địa bàn. 

Theo ông Phạm Đức Hải, số ca tử vong tiếp tục giảm. Về tình hình chung, ông Hải cho biết, tính đến 18h ngày 10/9 có 286.773 trường hợp mắc bệnh, bao gồm 286.301 ca nhiễm trong cộng đồng, 472 ca nhập cảnh.

{keywords}
TP.HCM họp báo về Covid-19

Hiện đang điều trị 39.433 bệnh nhân, trong đó có 2.805 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.790 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 10/9 có 3.392 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 147.416).

Trong ngày 10/9 có 188 trường hợp tử vong, giảm so với ngày 9/9 có 195 ca và giảm sâu so với ngày bắt đầu thực hiện Công điện của Thủ tướng là ngày 23/8 với 292 ca tử vong và ngày cao nhất là 30/8 với 335 ca. Tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 11.792.

Về đi chợ hộ, tổng nhu cầu đăng ký ngày 10/9 là 67.164 hộ, giảm 5,68% (tương đương giảm 4.045 hộ) so với ngày hôm trước. Xu hướng giảm số hộ đăng ký từ ngày 6/9 trở lại đây phản ánh người dân đã được đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm thông qua những phương thức hỗ trợ khác.

Kết quả thực hiện có 69.179 hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 103,0% số hộ đăng ký. Tỷ lệ vượt 100% (nhưng có xu hướng giảm kể từ ngày 1/9 trở lại đây) chứng tỏ năng lực đáp ứng được tăng cường, nhưng đồng thời còn nhiều đơn hàng của các hộ dân chưa được giải quyết kịp thời, phải thực hiện trong các ngày tiếp theo.

Về an sinh, từ ngày 15/8 đến 11/9, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP Thủ Đức là gần 1,78 triệu túi (tăng 37.624 túi so với ngày 10/9).

Về vấn đề có vật thể lạ trong thức ăn cung ứng cho bệnh viện dã chiến số 8 ở Thủ Đức, bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP.HCM) cho biết, đúng là sự việc đó xảy ra.

{keywords}
Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại họp báo. Ảnh: TTBC

Bệnh viện dã chiến số 8 Thủ Đức ký hợp đồng cung ứng thức ăn với một số công ty giao thức ăn.
Trưa 9/9, có một điều dưỡng nhận thức ăn thấy trong dưa leo có sâu, báo cáo lên lãnh đạo bệnh viện. Giám đốc bệnh viện cho kiểm tra các suất ăn còn lại thì không có hiện tượng tương tự.

Khẳng định đây là sâu, kèm theo dưa leo ăn với đùi gà. Bệnh viện có chủ quan không báo với Ban An toàn thực phẩm.

Sau đó, bệnh viện ngừng hợp đồng với công ty cung ứng thức ăn này.

Theo bà Lan, Ban An toàn thực phẩm thường xuyên kiểm tra về an toàn thực phẩm, nhất là trong việc cung cấp thức ăn cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, phong tỏa….

Đã có 1.700 F0 khỏi bệnh đăng ký hoạt động y tế

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc HCDC TP.HCM cho biết, với tình hình bây giờ thì chưa có cơ sở để nói đỉnh dịch đã qua.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho hay, TP kêu gọi người khỏi bệnh tham gia vào chữa bệnh cho F0. Bởi người khỏi bệnh thì nguy cơ lây nhiễm không có, họ có kháng thể với bệnh trong vòng 6 tháng. Đến nay, thống kê nhu cầu cho các bệnh viện đang cần tới 3.000 y, bác sĩ và nhân viên hỗ trợ y tế.

Theo ông Hưng, đến ngày 10/9 đã có 1.700 F0 khỏi bệnh đăng ký tham gia vào hoạt động y tế, đã phân bổ về các nơi 908 người.

Chế độ cho F0 khỏi bệnh tham gia là được trang bị phòng hộ đầy đủ, bố trí ăn ở đàng hoàng, xét nghiệm kháng thể, tầm soát định kỳ; sẽ có phụ cấp gọi là kinh phí hỗ trợ cho F0 khỏi bệnh tham gia phòng, chống dịch. TP đang giao sở tài chính tham mưu thêm. 

Cảnh giác chưa có thuốc điều trị F0 bán bên ngoài

Về túi thuốc điều trị cho F0 tại nhà, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, F0 nên liên hệ địa phương nhận thuốc, vì các túi thuốc đã sẵn sàng. Nếu không nhận được thì phản ánh ngay với cơ quan chức năng.

Bà Lan cho biết, đã có hiện tượng chợ đen khi một số quầy thuốc quảng bá loại thuốc điều trị cho F0 chăm sóc tại nhà, Sở và Bộ Y tế đã có khuyến cáo chuyện này.

Theo bà Lan, hiện nay chỉ có các đơn vị sản xuất thuốc tài trợ để phát cho các F0, chưa có loại thuốc được cấp mã số để bán. Vì vậy, người dân nên cảnh giác vì có thể (nếu mua) là thuốc giả.

Cập nhật dữ liệu tiêm vắc xin

Các báo hỏi về việc cập nhật dữ liệu tiêm vắc xin như thế nào? Sở TT&TT có thông tin tại họp báo ngày 1/9 là yêu cầu phải hoàn tất trước 6/9 nhưng đến nay vẫn còn nhiều phản ánh.

Liên quan tới việc người dân đã tiêm vắc xin nhưng chưa được cập nhật thông tin, hoặc thông tin tiêm bị sai; còn có trường hợp người dân kiểm tra lúc thì app hiển thị chưa tiêm mũi nào, lúc thì hiển thị là đã tiêm. Nhiều người đã gửi phản hồi theo hướng dẫn của HCDC nhưng chưa được điều chỉnh.

Cũng có trường hợp đã tiêm mũi 1 nhưng không có chứng nhận tiêm, không hiển thị trên app Sổ Sức khoẻ điện tử nên không thể tiêm mũi 2. Trong khi TP.HCM đang chuẩn bị áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng. Việc này khiến nhiều người dân lo lắng. Hướng xử lý của TP như thế nào?

Trao đổi lại, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, thời gian qua, các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin đã tích cực cập nhật dữ liệu tiêm vào hệ thống quản lý tiêm vắc xin phòng Covid-19 quốc gia.

Tuy nhiên, trong thực tế có việc người dân đã tiêm nhưng chưa được cập nhật thông tin, hoặc thông tin tiêm bị sai. Khi đó người dân có thể chủ động phản ánh, đề nghị bổ sung, điều chỉnh tại mục “Phản ánh thông tin” trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn).

Để xử lý đầy đủ các phản ánh, Sở TT&TT và Sở Y tế đã huy động lực lượng công nghệ thông tin để hỗ trợ tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân trên Cổng, cũng như gửi về HCDC. Việc này không ảnh hưởng lộ trình cấp thẻ xanh, thẻ vàng theo kế hoạch chung của thành phố.

Đề xuất xây dựng 1 app để người dân khai báo thông tin

Về phản ánh người dân đang cài đặt quá nhiều app (ứng dụng) liên quan đến khai báo y tế, phòng chống dịch, ông Từ Lương cho biết thêm, thành phố đang nghiên cứu thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Để thực hiện điều này, thành phố đã phối hợp Bộ TT&TT, Y tế liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và thành phố (HCM LGSP): mã QR cá nhân, khai báo y tế điện tử, tiêm chủng; đồng thời đề xuất liên thông với các ứng dụng của các bộ, ngành.

Sở TT&TT đang nghiên cứu, đề xuất theo hướng phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của thành phố (”Y tế HCM”) thành nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong phòng, chống dịch. Trong đó, người dân sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các công việc như: lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, xét nghiệm; “check-in” tại các địa điểm.

{keywords}
Việc cài nhiều app để khai báo như hiện nay gây bất tiện cho người sử dụng. Ảnh: Thanh Tùng

Thông tin về các ứng dụng kiểm soát hiện tại, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, chia sẻ bản thân ông hiện tại cũng thấy có quá nhiều ứng dụng (app) gây bất tiện cho người sử dụng.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ TT&TT sớm xây dựng một app thống nhất, trong đó chỉ đạo kết nối, chia sẻ tất cả dữ liệu để phục vụ phòng, chống dịch, hạn chế việc người dân khai báo rồi phải khai báo lại.

Chỉ đạo này nêu rõ app của Bộ Công an VNEID được xây dựng trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên có tính xác thực cả về nhân thân, còn các ứng dụng khác thì chỉ xác thực qua điện thoại.

Còn ứng dụng của công an có thể xác định cả điện thoại, nhân thân, thông tin khai báo nên đảm bảo được công tác quản lý. App của Bộ Công an có ưu điểm về tính chính xác, xác thực và có thể áp dụng trên các ứng dụng khác.

Ông Hà cho biết, tất cả giấy tờ của người dân đều xuất phát từ chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân. Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai VNEID phục vụ người dân khai báo. Bộ TT&TT cũng sẽ có đánh giá phối hợp nâng cấp.

Tuy nhiên, ông Hà nhấn mạnh app của Bộ Công an vẫn có ưu điểm hơn so với những ứng dụng khác. App này đang được Công an TP.HCM đưa vào sử dụng về kiểm soát lưu thông trên đường.

Hồ Văn

TP.HCM dự kiến mở cửa sau 15/9 dựa trên thẻ xanh, thẻ vàng Covid

TP.HCM dự kiến mở cửa sau 15/9 dựa trên thẻ xanh, thẻ vàng Covid

Từ 16/9 - 31/10, cá nhân, lao động có "Thẻ xanh Covid" có thể tham gia nhiều hoạt động. Còn  cá nhân, lao động có "Thẻ vàng Covid" được tham gia các hoạt động cụ thể nếu có xét nghiệm âm tính.