Đã chốt đủ nguồn cung, giá sẽ không tăng
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, khi mở cửa trở lại, diễn biến các tháng 10, 11 đã có tín hiệu tích cực. Nếu như tháng 10 tổng doanh số bán buôn, bán lẻ ở mức 43.000 tỷ đồng, tháng 11 sẽ là 55.000 tỷ đồng, và tháng 12 dự kiến hơn đạt hơn 66.000 tỷ đồng doanh số bán buôn, bán lẻ được ghi nhận.
Không khí chuẩn bị hàng Tết có các góc độ tiếp cận khác nhau. Ngành công thương làm việc với các tỉnh, các doanh nghiệp bình ổn, doanh nghiệp chủ lực sản xuất chuẩn bị hàng Tết, ở mức hơn 19.000 tỷ đồng, phục vụ dự trữ hàng. Chương trình hàng bình ổn thu hút 80 doanh nghiệp tham gia với số tiền 7.000 tỷ đồng
Theo ông Vũ, Tết năm nay số lượng hàng hóa không tăng và đang giữ mức ổn định. Thị trường tiêu dùng Tết năm 2022 không sôi động bằng năm 2021 nhưng ở mức gia tăng tương đối trong bối cảnh triển khai công tác chống dịch như hiện nay.
TP.HCM đã dự trữ đủ nguồn cung hàng Tết - Ảnh: N.Thanh. |
“Hiện nay, chúng tôi đang tích cực làm việc với các tỉnh, thành phố trong chuẩn bị nguồn hàng. Các đoàn công tác của Sở Công Thương đã đến làm việc với các tỉnh như Đồng Tháp, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bến Tre… những nơi cung ứng nguồn hàng cho TPHCM, phục vụ người dân dịp Tết và chúng tôi đã “chốt” xong”, ông cho hay.
Ông Phạm Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan cũng cho biết, doanh nghiệp này đã chuẩn bị nguồn hàng thực phẩm tươi sống là 2.800 tấn, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ cho thị trường Tết 2022; mặt hàng thực phẩm chế biến là 4.200 tấn, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ. Ông khẳng định, với lượng hàng này, doanh nghiệp cam kết đủ cung ứng hàng cho người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời đảm bảo giá cả bình ổn.
Cũng theo ông Dũng, để tránh đứt gãy sản xuất, Vissan cũng xây dựng được mô hình phù hợp theo bộ tiêu chí của UBND Thành phố ban hành là sản xuất thì phải an toàn, an toàn mới sản xuất. Trong khâu sản xuất, chúng tôi phân luồng từng xưởng, bộ phận riêng biệt, từ khi người công nhân vào cổng Công ty, khi đi ăn, để tách bạch rõ từng bộ phận, không ảnh hưởng đến việc duy trì sản xuất.
“Đến thời điểm này, sản lượng của chúng tôi đã đáp ứng được 90% cho sản lượng Tết (lượng tồn kho hiện nay). Chúng tôi cũng duy trì sản xuất đến ngày 28 Tết, điều này sẽ đáp ứng được sản lượng cung cấp cho các nhà phân phối, cho tiêu dùng, bảo đảm nguồn hàng thiết yếu cho thành phố”, ông chia sẻ.
Áp dụng nhiều biện pháp mua sắm an toàn
Đề cập tới vấn đề mua sắm an toàn, đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch Covid-19 trong dịp cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán 2022, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op khẳng định, theo đúng chủ trương, chúng ta thực hiện mua sắm an toàn để phòng ngừa Covid-19, bảo đảm an toàn nhất cho người dân, kể cả giải pháp mở cửa sớm hơn, đóng cửa muộn hơn thì hệ thống siêu thị cũng đang chú trọng.
Song, theo ông Đức, năm nay có sự khác biệt hơn là thông thường 2 tuần cuối cùng của năm, chúng tôi mới tăng giờ mở cửa, nhưng năm nay ngay từ đầu năm vào thời điểm trước Tết 3 tuần chúng ta đã có những giãn cách phù hợp.
Hệ thống siêu thị trên địa bàn TP.HCM sẽ triển khai loạt biện pháp mua sắm đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 - Anh: N.Thanh. |
Việc giãn cách này song song với việc đăng ký cho bà con có kế hoạch mua sắm vào từng thời điểm, không nên tập trung đông người. Trong từng cụm dân cư sẽ có những ưu tiên hàng hóa để đi mua sắm theo đúng khung giờ, tránh tiếp xúc.
“Thực ra việc phải áp dụng các giải pháp này khiến bà con khá chùn chân, chắc chắn nếu có giải pháp trực tiếp đi mua sắm tại siêu thị thì bà con sẽ chọn giải pháp này. Do đó, chúng tôi cũng đã chuẩn bị những giải pháp mua sắm trực tiếp tại cửa hàng và bảo đảm ưu tiên hàng đầu là an toàn sức khỏe cho bà con, tránh lây nhiễm bệnh”, ông chia sẻ.
Ông Đức cũng thông tin, siêu thị đang đẩy mạnh mua sắm online. Cùng với đó, các giao dịch, phương thức thanh toán cũng thay đổi. Các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và Sài Gòn Co.op đang chuẩn bị khá tốt cho việc thanh toán không tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc để hạn chế tối đa việc tiếp xúc. Theo đó, Sài Gòn Co.op chuẩn bị 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất là nhóm công cụ online, trong đó sẽ có các website, ứng dụng trên điện thoại để phục vụ người dân bên cạnh mua sắm tại siêu thị. Cấu trúc hàng hóa được bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của bà con và cũng được hỗ trợ của các ngành liên quan như logistics…
Nhóm thứ hai phục vụ cho công tác online, số hóa: siêu thị đang phối hợp với các đơn vị bạn để mượn sàn giao dịch tạo thành điểm giao dịch chung, một sàn phân phối các mặt hàng đến với bà con tại các kênh phân phối đó.
Nhóm thứ ba phục vụ đa phần bà con muốn mua sắm trực tiếp: Nhóm này được chuẩn bị khá thận trọng và kỹ lưỡng. Những phương thức đã chuẩn bị trong đợt dịch sẽ tiếp tục, những dịch vụ đi chợ hộ, mua chung cũng sẽ tiếp tục thực hiện để hỗ trợ bà con mua sắm.
Cùng với những sáng tạo xuất phát từ tâm của mình như Tết gắn kết tình thân, làm cho Tết xa về mặt địa lý nhưng gần về mặt tình cảm thì chúng tôi nghĩ đến phương án đặt hàng bất cứ nơi nào, chúng tôi cũng sẽ phân phối, giao hàng cho bà con đến nơi đó, kể cả vùng núi, hải đảo,...
Mùa mua sắm Tết đang cận kề, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cũng mong bà con tiêu dùng một cách thông minh, hãy chọn phương thức mua sắm an toàn nhất để có những vật phẩm trang trọng phục vụ cho sinh hoạt Tết của mình. Ngành công thương Thành phố sẽ cùng với tất cả các ngành khác đảm bảo chuỗi cung ứng liên tục, những sản vật đa dạng vùng miền sẽ được mang về và phân phối cho người dân Thành phố đáp ứng nhu cầu mua sắm.
Đình Thành