TP.HCM đặt mục tiêu đến 15/9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh theo Nghị quyết 86 của Thủ tướng và Chỉ thị 11 của UBND TP. Hôm nay, TP chính thức bước vào ngày đầu tiên của hai tuần quyết định.

Chiều 1/9, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê và Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Phạm Đức Hải chủ trì họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.  

Buổi họp báo hôm nay cũng là ngày đầu tiên của hai tuần quyết định cho mục tiêu đến 15/9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.

Thay mặt Ban chỉ đạo, ông Phạm Đức Hải nhắc lại lời của Thủ tướng: "Lửa thử vàng gian nan thử sức, thử thách này sẽ rèn luyện chúng ta”. Tôi tin tưởng chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng đại dịch. Bình minh của cuộc sống mới sẽ trở lại".

{keywords}
Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Phạm Đức Hải phát biểu

Về mặt chỉ đạo, ông Hải cho biết: Ngày 30/8, Văn phòng Chính phủ ra thông báo số 226/TB-VPCP về thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo ông Hải, có hai điều trọng tâm cần lưu ý ở đây: dự báo tình hình dịch bệnh thế giới, khu vực trong nước vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, cần tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là với biến chủng Delta; kể cả với các tỉnh đã không chế được dịch.

Cần thống nhất nhận thức không chế dịch tuyệt đối là rất khó khăn, ngay cả nước có độ bao phủ cao về vắc xin, dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Nhưng, phải có cách làm, phương án chống dịch thích ứng, đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.

Thứ đến, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về công tác chống dịch. Cần truyền thông đúng về quy mô dịch bệnh và dự báo thiệt hại không thể tránh khỏi trước khi nó diễn ra, để chuẩn bị tâm thế giải pháp phù hợp, có chương trình hướng dẫn người dân…

Theo ông Hải, chỉ số về mắc mới, số ca mắc mới có xu hướng giảm liên tục so với hai tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.

Tỷ số người xét nghiệm dương tính có xu hướng giảm liên tục trong 11 ngày và không có chuỗi lây mới.

Chỉ số nguy cơ lây nhiễm: giảm tối thiểu 305 huyện, xã có nguy cơ rất cao; giảm tối thiểu 30% huyện, xã có nguy cơ cao, và 30% có mức độ nguy cơ.

Về y tế, theo ông Phạm Đức Hải, tính đến 18h ngày 31/8 có 221.761 ca Covid-19, bao gồm 221.313 ca nhiễm trong cộng đồng, 448 ca nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 40.979 bệnh nhân, trong đó có 2.522 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.720 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 31/8, có 2.699 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 112.968); 303 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 9.507).
Số liệu tử vong từ ngày 31/8 là 303, giảm so với ngày 30/8 là 335.

Về kết quả xét nghiệm, ông Hải thông tin, từ 18h ngày 30/8 đến 18h 31/8 đã lấy hơn 451.000 mẫu, trong đó có hơn 8.300 mẫu đơn và 8.600 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 370.700 mẫu.

{keywords}
TP.HCM bước vào 2 tuần cao điểm chống dịch, xét nghiệm toàn TP

Tổng số mũi vắc xin đã tiêm đến ngày 31/8 là hơn 6,2 triệu (tăng 91.000 mũi so với ngày 30/8). Trong đó, tổng số mũi 1 là hơn 5,8 triệu, mũi 2 là hơn 343.000, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là gần 684.000.

Về an sinh, trung tâm an sinh TP tại kho Mặt trận TP tiếp nhận các loại hàng hóa nhu yếu phẩm và các thiết bị y tế bảo hộ … trị giá hơn 51 tỷ đồng; đã phân phối đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, 22 quận, huyện, TP Thủ Đức, các bếp ăn từ thiện….

Tổng số túi an sinh chuyển tới các quận, huyện, TP Thủ Đức là hơn 1,2 triệu túi.

Dữ liệu tiêm chủng đưa vào hệ thống đạt hơn 85% 

Dữ liệu tiêm chủng được TP xử lý thế nào? đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, tổng số người thực hiện tiêm là 6.219.536 mũi, trong đó mũi 1 là 5.876.039, mũi 2 là 343.497

Số mũi tiêm đã đưa vào hệ thống tiêm chủng quốc gia là 5.300.521, đạt tỷ lệ 85,22%. Các số liệu mũi tiêm còn lại đang lưu trữ tại các hệ thống của các bệnh viện và đơn vị. Sở TT&TT, Sở Y tế đã có văn bản nhắc các đơn vị chuyển dữ liệu này về để đưa vào cơ sở dữ liệu tiêm chủng quốc gia, đến hết ngày 5/9 phải hoàn thành.

Theo đại diện Sở này, dữ liệu tiêm chủng đang được đồng bộ từ cơ sở dữ liệu tiêm chủng quốc gia về Kho Dữ liệu dùng chung của TP. HCM.

Dữ liệu này được sử dụng để các DN, tổ chức lên các phương án tổ chức sản xuất an toàn. Đang phối hợp cùng các Hiệp hội DN để xây dựng giải pháp sản xuất xanh, trong đó có nội dung quan trọng liên quan đến tiêm chủng và khai báo y tế.

Phát hiện F0 qua chốt

Nói thêm về việc phát hiện F0 qua chốt, ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, qua kiểm soát, kiểm tra mã QR và đối chiếu dữ liệu F0 được cung cấp về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, qua rà soát tại các chốt kiểm soát có F0 di chuyển qua 43 chốt. Kiểm tra lại, có 30 trường hợp di chuyển qua nhiều chốt.

Qua xác minh, có 10 người có giấy đi đường. Còn lại là những người thuộc diện được miễn như người di chuyển đến khu cách ly tập trung, người đi xét nghiệm PCR…

Trong số này có 8 người đang cách ly tập trung, 2 người khỏi bệnh, 1 trường hợp chưa xác minh được, còn lại được đưa về cách ly tại nhà.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, về đội ngũ shipper, được xét nghiệm tại các trạm y tế phường, xã theo mẫu gộp ba miễn phí, nhưng nhân viên siêu thị phải tự trả tiền.

Có 22.124 shipper đã đăng ký hoạt động trở lại của 33 đơn vị trên địa bàn 21 quận huyện và TP Thủ Đức. Trong ngày 30/8, có 7.241 shipper đã đáp ứng nhu cầu và đi giao nhận hàng. Đã giao nhận 138.101 đơn hàng. Ngày 31/8, có 8.042 shipper và hơn 86.000 đơn hàng được phục vụ.

Với sự tham gia của hơn 30 ngàn nhân viên siêu thị cùng với đội ngũ shipper, tình hình cung ứng hàng hóa đi chợ thay, đi chợ hộ của các lực lượng khác giảm xuống.

Đại diện Sở Y tế thông tin thêm, việc tiêm chủng vẫn hoàn toàn do ngành y tế phụ trách. Việc giao cho các doanh nghiệp, chủ yếu là lo điểm tiêm, còn lại các khâu khác và tiêm chủng bắt buộc là do y tế phụ trách.

  

TP.HCM đang nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong

TP.HCM đang nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong

Tỷ lệ tử vong tại TP.HCM có sự gia tăng so với tuần trước nhưng Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định tuần tới tỷ lệ này sẽ giảm và ngành y tế đang nỗ lực hết mình để đạt mục tiêu này.

Hồ Văn