- Đó là chỉ đạo của UBND TPHCM trong cuộc họp báo cáo công tác chỉ đạo về điều hành, về tình hình KT-XH trong 9 tháng, và công tác trọng tâm 3 tháng cuối năm 2016.

{keywords}

Bãi rác Đa Phước Nguồn : Google map

Theo đó, TPHCM sẽ tăng cường giám sát kiểm tra hoạt động vận hành các bãi chôn lấp và công trường xử lý chất thải rắn tại các khu xử lý rác; chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình hình ô nhiễm mùi hôi do các bãi chôn lấp ảnh hưởng đến cuộc sống người dân theo phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tập trung các giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất việc khuyếch tán mùi hôi từ Khu liên hợp chất thải rắn và Nghĩa trang Đa Phước, đặc biệt là mùi hôi từ hoạt động xử lý chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trong khu liên hợp.

Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, công tác kiểm tra, giám sát quy trình vận hành kỹ thuật, thắt chặt công tác kiểm soát mùi trong quá trình hoạt động xử lý chất thải của các đơn vị xử lý, đặc biệt là bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, hiện là nguồn tiếp nhận xử lý chất thải có quy mô lớn.

Xử lý nghiêm các trường hợp xe vận chuyển để rơi vãi chất thải và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ, ổn định để khắc phục triệt để mùi hôi.

Khảo sát trên diện rộng các địa bàn liên quan, thực hiện công tác quan trắc, tổng hợp thông tin, phân tích dữ liệu để giám sát, ghi nhận diễn biến nguồn gốc phát sinh ô nhiễm mùi hôi trên cơ sở khoa học, đồng thời làm tư liệu tiếp tục theo dõi diễn biến môi trường của Khu; phối hợp với Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam xử lý nghiêm các trường hợp xe chuyên chở rác không hợp vệ sinh trước khi ra khỏi bãi xử lý rác.

Làm việc với Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam xác định rõ việc vận hành hệ thống phân loại, tái chế chất thải, nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung giải pháp đầu tư công nghệ tiên tiến theo hướng tái sinh năng lượng, giảm chất thải chôn lấp.

Trước mắt phải điều chỉnh quy trình vận hành, tăng cường các biện pháp kỹ thuật trong quá trình xử lý chôn lấp để khống chế và giảm thiểu mùi hôi đến mức thấp nhất. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các khu xử lý chất thải trong mùa mưa hàng năm.


TPHCM sẽ có nhiều dự án mới chống ô nhiễm môi trường

Thực hiện giám sát, đôn đốc tiến độ các dự án xử lý chất thải đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án của Công ty Sài Gòn Xanh, Công ty Cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu, Công ty Liên doanh Cổ phần môi trường Việt Úc – Công ty TNHH Tiến Phước, dự án khu xử lý rác ở Long An; Nâng cấp đường dẫn vào khu xử lý bùn thải và khu xử lý chất thải nguy hại, hệ thống quan trắc tự động tại 2 khu liên hợp xử lý chất thải.

Xem xét các dự án xử lý chất thải sinh hoạt mới từ nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước:Dự án của Công ty Hitachi Zosen; Công ty Trisun Green Energy; Công ty cổ phần công nghệ T-Tech; Công ty TNHH Thủy lực – Máy, Liên doanh nhà đầu tư FLAG-PESCO-FECON... trong đó có dự án Xây dựng Nhà máy khí hóa chất thải bằng công nghệ plasma.

Đẩy nhanh tiến độ công tác lập quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức khảo sát, tổng hợp số liệu để xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu trữ chất thải nguy hại đối với chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh dưới 600kg/năm và kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Hoàn thành cơ bản đề án đấu thầu công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Nghiên cứu, trao đổi với các nhà đầu tư để triển khai xây dựng mạng lưới nhà vệ sinh, thùng rác công cộng.

Việt Đông