Tối 15/9, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP chủ trì họp báo cung cấp tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.

Theo Ban Chỉ đạo, trong buổi họp báo hôm nay, các bước thực hiện trong hai tuần giãn cách tiếp theo sẽ được công bố để người dân biết và thực hiện. 

{keywords}
Phó Chủ tịch TP.HCM Lê Hòa Bình thông tin tại họp báo tối 15/9

Mở đầu buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải cho biết, những ngày vừa qua, ngày 13/9, Chủ tịch TP đích thân chủ trì họp báo thông tin đến báo chí những hoạt động của TP dự kiến diễn ra sau ngày 15/9.

Và hôm qua, Hội nghị Thành ủy cũng bàn chủ trương, quyết sách sau 15/9 làm những gì?

Ngay sau đó, tiếp tục cả buổi sáng và đến 18h UBND TP ký văn bản nói rõ những việc phải làm từ 0h ngày 16/9.

Hôm nay, có hai văn bản quan trọng, một là công điện của Bộ Y tế và văn bản của UBND TP vừa ký.

Xác định phạm vi giãn cách theo quy mô nhỏ nhất

Về công điện của Bộ Y tế:

Tình hình dịch Covdi-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tại nhiều địa phương, đặc biệt với biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao và lây lan nhanh chóng (nồng độ vi rút trong dịch hầu họng gấp khoảng 1.000 lần so với các chủng SARS-CoV-2 trước).

Trong thời gian qua nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã đạt được một số kết quả nhất định trong hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vẫn còn một số tồn tại như thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách, chưa xác định được mục tiêu, phạm vi, thời gian, các giải pháp kiểm soát dịch, nhất là công tác xét nghiệm, dẫn đến phải thực hiện giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.

Tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, Bộ Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các công điện, kết luận của Thủ tướng và tập trung một số nội dung sau:

Khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội (sau đây gọi là giãn cách) phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…).

Xác định mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày) và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm: (1) Thực hiện nghiêm việc giãn cách; (2) Đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; (3) Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; (4) Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; (5) Tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.

{keywords}
Phó ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Phạm Đức Hải phát biểu

Thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời.

Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR (RT-PCR). Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần. Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ. Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn và đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu.

Tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân.

Khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao. Trường hợp vượt quá khả năng, kịp thời trao đổi với các tỉnh, thành phố lân cận để được hỗ trợ hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; địa điểm có thể lựa chọn tại trường học, nhà văn hóa, khu công sở... trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất.

Về nhân lực, trang thiết bị, thuốc và hoạt động thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Chuẩn bị sẵn sàng về địa điểm, trang thiết bị, nhân lực đối với các xã, phường, thị trấn ở mức có nguy cơ và bình thường mới để kịp thời triển khai khi nâng mức nguy cơ.

Thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường đến 30/9

Tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình trình bày văn bản của UBND TP vừa ký, triển khai các biện pháp sau ngày 15/9.

Theo ông Bình, nhằm tiếp tục phấn đấu kiểm soát dịch bệnh và thực hiện lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới của TP, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch trên toàn địa bàn theo tinh thần Chỉ thị 16, kế hoạch số 2715 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP và Chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND TP từ 0h ngày 16/9 đến hết 30/9.

Áp dụng phương châm triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp phòng, chống dịch trên từng địa bàn cụ thể.

Tiếp tục thực hiện việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng được phép lưu thông. Các giấy đi đường do Công an TP đã cấp có hiệu lực đến hết ngày 30/9.

Về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân, ông Bình thông tin, TP tiếp tục thực hiện theo kế hoạch số 2798/KH-UBND ngày 21/8 và Công văn số 2994/UBND-ĐT ngày 7/9 của UBND TP.

Cụ thể, các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ; các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn các quận, huyện này và Khu Công nghệ cao được thực hiện thí điểm các hoạt động sau:

Người dân đi chợ 1 lần/tuần theo kế hoạch được UBND TP chấp thuận. Bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động theo kế hoạch của UBND các địa phương, tuân thủ bộ tiêu chí an toàn do UBND TP ban hành.

Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu Công nghệ cao chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức thực hiện các phương án sản xuất theo Kế hoạch số 2715/KH-BCĐ ngày 15/8 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP và Bộ Tiêu chí an toàn do UBND TP ban hành.

Thí điểm triển khai việc thực hiện “Thẻ xanh Covid” gắn với mã QR cá nhân. Việc thí điểm vẫn phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc 5K, xét nghiệm kháng nguyên định kỳ; giao Sở TT&TT chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Công an TP, Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP, Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP và các địa phương tham mưu thực hiện.

Điều chỉnh, bổ sung một số hoạt động

Đối với nhân viên giao nhận của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hoá có ứng dụng công nghệ (shipper): cho phép hoạt động liên quận, huyện và TP Thủ Đức từ 6h đến 21h hàng ngày với điều kiện phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần; ngân sách TP chi trả chi phí xét nghiệm cho lực lượng này đến hết ngày 30/9.

{keywords}
Từ 16/9, shipper được hoạt động liên quận. Ảnh: Thanh Tùng

Cho phép các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh) hoạt động từ 6h đến 21h hàng ngày, gồm: Dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập.

Dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; các cơ sở kinh doanh này hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ bán hàng thông qua đặt hàng trực tuyến.

Dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y. Dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng phục vụ hoạt động này. Sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm.

Điều kiện hoạt động đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh

Ông Lê Hòa Bình thông tin, đối với việc sử dụng nhân viên giao nhận của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hoá có ứng dụng công nghệ (shipper), thực hiện như đã thông tin ở trên.

Đối với nhân viên giao nhận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh: chỉ được phép hoạt động trên địa bàn 1 quận, huyện, TP Thủ Đức. Phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.

Người lao động trực tiếp tại nơi làm việc phải được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin phòng, chống Covid-19 và thực hiện xét nghiệm với tần suất 5 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh lĩnh vực nêu phải đăng ký với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn để được cấp Giấy đi đường theo quy định.

Ông Bình cũng cho biết, các công trình xây dựng, giao thông được phép tổ chức thi công công trình trên cơ sở tuân thủ theo Bộ tiêu chí an toàn được UBND TP ban hành; giao các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tùy theo tình hình an toàn phòng chống dịch tại địa bàn, đề xuất danh mục các công trình cụ thể; giao Sở Xây dựng chủ trì tham mưu, đề xuất UBND TP xem xét, quyết định.

Không phải ai cũng được cấp thẻ xanh

Báo chí đặt vấn đề việc cấp thẻ xanh thế nào? Có phải ai cũng đáp ứng điều kiện thì cấp hết… và trong đợt thí điểm, các nơi được hoạt động thì ai quyết vấn đề trở lại hoạt động?

Về thẻ xanh, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, không phải ai cũng được cấp thẻ xanh, mà có tiêu chí, nhóm đối tượng và do địa phương quyết định trên cơ sở phối hợp với nhiều bên. Riêng quận 7, thì cấp cho 150 doanh nghiệp và hộ kinh doanh mà UBND quận cho phép mở cửa hoạt động.

Còn ông Lê Hòa Bình thông tin thêm, về ba địa phương Cần Giờ, Củ Chi, quận 7 và khu công nghiệp, công nghệ cao thì danh sách doanh nghiệp hoạt động do chính các nơi này quyết. Và tất nhiên, ai đủ điều kiện thì được cho phép hoạt động trở lại.

Về phục hồi kinh tế, cơ quan chức năng ở địa phương sẽ đánh giá tình hình để nếu có sự cố xảy ra thì xử lý ngay, có thể quay về biện pháp ban đầu nếu không an toàn.

Về mở du lịch của huyện Củ Chi và Cần Giờ, UBND TP giao cho hai địa phương này thực hiện kế hoạch chi tiết.

 

Chi tiết số liệu về phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sau 24h
Tính đến 18h ngày 14/9, có 310.322 trường hợp mắc bệnh, bao gồm 309.846 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 476 ca nhập cảnh.
Hiện đang điều trị 40.864 bệnh nhân, trong đó: có 2.864 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.529 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 14/9, có 2.529 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 158.500), 189 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 12.608).
Kết quả xét nghiệm: Từ 18h ngày 13/9 đến 18h ngày 14/9, đã lấy hơn 357.000 mẫu, trong đó có gần 5.900 mẫu đơn và 7.200 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là hơn 287.000 mẫu.
Tiêm chủng vắc xin, tổng số mũi triển khai tiêm đến ngày 14/9 là hơn 8,3 triệu (tăng gần 160.000 mũi so với ngày 13/9) trong đó tổng số mũi 1 là hơn 6,6 triệu, mũi 2 là gần 1,7 triệu; số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là gần 950.000.
Về an sinh, Trung tâm an sinh TP tiếp nhận các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, cá khô, khoai lang… của các đơn vị trị giá hơn 1,6 tỷ đồng. Trung tâm đã phân phối đến các địa phương để hỗ trợ người dân….
Từ ngày 15/8 đến 15/9: Tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP Thủ Đức là 1.785.660 túi (tăng 2.000 túi so với ngày 14/9).

 

Hồ Văn - Đ.Bảo

 

Bí thư TP.HCM: Thủ tướng đã đồng ý cho TP giãn cách thêm 2 tuần

Bí thư TP.HCM: Thủ tướng đã đồng ý cho TP giãn cách thêm 2 tuần

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, sáng nay TP.HCM đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được thống nhất về việc tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 2 tuần theo tinh thần Chỉ thị 16.