- Trong bản tin thời sự lúc 19h (giờ Bắc Kinh) ngày 13/9, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin: Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (ĐHĐBNDTQ - Quốc hội) Trung Quốc đã bãi bỏ tư cách đại biểu quốc hội của 45 người được bầu tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh khóa 12.

{keywords}

Ông Vương Dân, nguyên Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh đang bị điều tra do nhận hối lộ để gian lận trong bầu cử.

Theo CCTV, bản Thông cáo số 21 của UBTV Quốc hội khóa 12 viết: “Hội nghị lần thứ 23, UBTV ĐHĐBNDTQ khóa 12 đã họp, nghe và xem xét báo cáo thẩm tra của Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu về việc không công nhận kết quả bầu cử một bộ phận đại biểu ĐHĐBNDTQ của tỉnh Liêu Ninh. Căn cứ quy định tại Điều 57 của Luật bầu cử đại biểu ĐHĐBNDTQ và ĐHĐBND các cấp về việc kết quả các đại biểu trúng cử do dùng tiền bạc hay đồ vật hối lộ đều vô hiệu; xác định 45 đại biểu ĐHĐBNDTQ khóa 12 do kỳ họp thứ nhất ĐHĐBND tỉnh Liêu Ninh khóa 12 bầu ra không đủ tư cách”.

Trước đó, theo Tân Hoa xã, Hội nghị lần thứ 17 Chủ tịch và các Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc khóa 12 đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trương Đức Giang và quyết định triệu tập kỳ họp bất thường Hội nghị lần thứ 23 UBTV để xem xét báo cáo của Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu về vấn đề tiêu cực trong bầu cử đại biểu quốc hội tại Liêu Ninh.

Từ mấy tháng nay, vụ án dùng tiền chạy ghế trong các cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa 12, bầu cử Phó chủ tịch Ủy ban thường vụ HĐND tỉnh khóa 12, thậm chí bầu cử Ban thường vụ tỉnh ủy tại tỉnh Liêu Ninh đang gây chấn động Trung Quốc. Ngày 8/9/2016, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ra thông báo áp dụng biện pháp cưỡng chế để lập án điều tra đối với ông Trịnh Ngọc Chước, Phó chủ tịch Đại hội đại biểu nhân dân (tức HĐND) tỉnh Liêu Ninh do có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ, phá hoại bầu cử. Trước đó cũng đã có 4 quan chức lãnh đạo của tỉnh này bị mất chức về vụ này là Tô Hồng Chương, Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy kiêm Bí thư Ủy ban Chính Pháp tỉnh ủy; Vương Dân, Nguyên Bí thư tỉnh ủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục và khoa học của Quốc hội; Vương Dương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Trần Thiết Tân, nguyên Phó chủ tịch Chính Hiệp (mặt trận) tỉnh. Tất cả những người này đều có trách nhiệm lãnh đạo và chịu trách nhiệm trực tiếp trong vấn đề gian lận phiếu bầu và hối lộ chạy phiếu trong các cuộc bầu cử tại Liêu Ninh.

Mạng Tài Tân cho biết, trong cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa 12 diễn ra từ tháng 12/2012 đến 1/2013 tại Liêu Ninh đã diễn ra vấn đề hối lộ để gian lận phiếu bầu nghiêm trọng. Cả nước có 2.987 đại biểu quốc hội khóa 12 được bầu, tỉnh Liêu Ninh được bầu 102 đại biểu (94 đại biểu của tỉnh, 8 người do trung ương đưa về), thì nay 45 đại biểu bị bãi bỏ tư cách. Đây là vụ bê bối hối lộ để trúng cử chưa từng có ở Trung Quốc. Trước đây, tại Hoành Dương (Hồ Nam) và Miên Dương (Tứ Xuyên) cũng đã diễn ra nạn chạy tiền trong bầu cử HĐND thành phố. Trong đó thành phố Hoành Dương có hơn 400 trong số 500 người ra tranh cử đã bị xử lý do hối lộ cho các quan chức. Số tiền tang vật thu giữ được tổng số tới trên 110 triệu NDT (385 tỷ VND).

Bầu cử đại biểu Quốc hội ở Trung Quốc không do các cử tri trực tiếp bỏ phiếu bầu các ứng cử viên, mà do các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh bầu. Các ứng cử viên do các chính đảng, đoàn thể nhân dân…giới thiệu. Riêng đại biểu quân đội thì do hội nghị đại biểu quân nhân do cấp Tổng bộ, đại quân khu và Văn phòng Quân ủy triệu tập bầu ra.

Ngô Tuyết