Giữa bối cảnh căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông do tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các láng giềng, Trung Quốc tuyên bố hướng tới mục tiêu sản xuất 15 tỉ mét khối (bcm) khí tự nhiên ở vùng biển này vào năm 2015.
Ảnh: THX |
Theo hãng tin Reuters, trong báo cáo tiêu đề "Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 về phát triển khí tự nhiên", Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc khẳng định, Biển Đông là "khu vực chính trong sản xuất khí" của Trung Quốc và tạo thành một phần chính trong các kế hoạch tìm kiếm thăm dò khí.
Trung Quốc đang ngày càng quả quyết hơn trong tranh chấp chủ quyền với một số nước láng giềng ở Biển Đông - vùng biển được tin là giàu trữ lượng dầu khí. Ủy ban Năng lượng Trung Quốc cho biết, sản lượng khí tự nhiên trong năm 2010 ở nước này là 948 triệu mét khối và tổng sản lượng ngoài khơi dự kiến sẽ đạt 20 20 bcm vào năm 2015, trong đó Biển Đông chiếm 15 bcm.
Theo các con số thống kê, Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ bên ngoài và dự kiến sẽ đạt 35% tới năm 2015 thay vì 15% năm 2010. Sản lượng quốc gia của nước này đạt 102 bcm năm 2011 và dự kiến tăng tới 176 bcm trong năm 2015. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng khí đốt tại Trung Quốc có thể đạt 230 bcm vào năm 2015, đặt ra các thách thức mới cho lĩnh vực năng lượng nước này.
"An ninh năng lượng Trung Quốc đứng trước nhiều thách thức mới, cần phải nỗ lực hết sức để thúc đẩy nguồn cung nội địa hiệu quả", báo cáo của cơ quan Năng lượng Trung Quốc nhấn mạnh.
Biển Đông ước tính có trữ lượng 23 - 30 tỉ tấn dầu và 16 nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên. Khoảng 70% trữ lượng dầu khí ở vùng biển giàu tài nguyên này nằm tại 1,54 triệu km vuông các khu vực nước sâu. "Biển Đông có thể trở thành vùng khoan nước sâu lớn thứ tư thế giới, sau cái gọi là "tam giác vàng" của vùng vịnh Mexico, Brazil và Tây Phi", Chu Thụ Vĩ - thành viên Viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết.
Dù có nhiều nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc luôn đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu như toàn bộ vùng biển quan trọng này, kể cả những ranh giới lượn sát bờ biển nước khác.
Thái An (theo ibtimes)