- Nữ Đại sứ mới của Bắc Kinh tại Manila tuyên bố, Trung Quốc không có ý định xâm chiếm hay sử dụng sức mạnh quân sự để can thiệp vào vấn đề của các nước láng giềng, kể cả việc Philippines và những nước khác đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Hillary: Trung Quốc cần chứng minh mục đích trỗi dậy
Nhật Bản lo ngại về ngân sách quốc phòng Trung Quốc
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh. Ảnh: Inquirer |
Khi được hỏi về kế hoạch gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, bà Mỹ nói: "Trung Quốc đã phản ứng rất bình tĩnh" về vấn đề này. “Châu Á - Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Mỹ và Trung Quốc", bà Mã nói. Tân Đại sứ Trung Quốc - người mới chỉ nắm vị trí hai tháng trước đây - thừa nhận rằng, sự gia tăng 11,2% trong ngân sách quân sự Trung Quốc năm nay có thể "làm dấy lên nghi ngờ" với các nước khác về các mục tiêu thực sự của mình. Bà nhấn mạnh, chính sách quân sự nước này "hoàn toàn mang bản chất phòng thủ".
Bà Mã chỉ ra rằng, ngân sách quốc phòng gia tăng của Trung Quốc đã gia tăng "rất tối thiểu" trong thời gian dài. Bà nói: "Chúng tôi chỉ đủ bù đắp cho những năm trước không chú ý tới chi tiêu quân sự". Theo bà, phần lớn ngân sách này để "phục vụ hậu cần, cải thiện phúc lợi, tăng lương cho cán bộ. Chỉ trong ít năm qua, chúng tôi mới sử dụng ngân sách gia tăng để mua sắm khí tài quân sự".
Ngân sách quốc phòng chỉ chiếm "1,3% tổng ngân sách nhà nước", bà Mã nói và ngân sách này thấp hơn nhiều so với Mỹ, Anh, Nga, Ấn Độ và Brazil. “Nên với mức độ chi tiêu như vậy, tôi tin là quân đội Trung Quốc sẽ không đặt ra mối đe dọa nào với các nước khác".
Hồi chuông báo động
Đầu tháng này, Bắc Kinh tuyên bố chi tiêu quốc phòng sẽ tăng lên 670,27 tỉ nhân dân tệ (khoảng 106,41 tỉ USD) trong năm nay. Con số này đánh dấu sự sụt giảm (không đáng kể) so với mức tăng 12,7% trong năm 2011 nhưng vẫn rung hồi chuông báo động khắp châu Á và Mỹ.
Tháng 1, Washington đã đưa ra chiến lược quốc phòng mới tập trung vào việc đối phó với sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo đầu tiên tại Philippines ở cương vị mới, bà Mã bày tỏ hy vọng, Philippines và Trung Quốc có thể "cuối cùng tìm ra con đường để khởi động các cuộc hội đàm" về các khu vực cùng phát triển ở Biển Đông.
“Với sự kiên nhẫn, khôn ngoan và thiện chí, chúng ta cuối cùng có thể tìm ra một con đường", bà nói. “Suy nghĩ của chúng tôi là, trong khi tìm kiếm giải pháp cuối cùng (tranh chấp Trường Sa), chúng ta nên gác lại và đặt sang bên những khác biệt để cùng tham gia thoả thuận hợp tác". Bà Mã nhấn mạnh: Các tài nguyên ở đó để khai thác, phát triển kinh tế là 'ưu tiên của chúng ta' với Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, những nước đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
“Nhưng kể từ khi có tranh chấp, không ai có thể hành động đơn phương. Vì vậy, cách thích hợp để làm điều này hoặc bắt đầu điểm khởi đầu là gác lại bất đồng và cùng tham gia hợp tác", bà nói.
Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói với Nhật báo Inquirer rằng, các khu vực cùng phát triển ở Biển Đông "mà rõ ràng thuộc về Philippines không phải là chọn lựa khả thi" trong giải quyết vấn đề giữa quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc. Nhưng ông nhấn mạnh, Philippines “để ngỏ khả năng cân nhắc cùng phát triển ở các khu vực tranh chấp".
Trong cuộc họp báo, bà Mã nói
rằng, Trung Quốc "không phản đối cách hiểu tranh chấp dựa trên luật pháp". Bà
cho biết: “Chúng tôi cũng tán thành quy định quốc tế mà chúng tôi nên tôn trọng.
Nhưng không thể chỉ là vài điều khoản của Công ước LHQ về Luật Biển (gọi là
UNCLOS) mà bỏ qua những điều khoản khác".
“Có những chuẩn mực quốc tế hơn UNCLOS. Thậm chí nếu theo công ước này, chúng
tôi có thể tìm ra một số lý lẽ ủng hộ quan điểm của Trung Quốc. Có chút hiểu lầm
rằng Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế và chỉ có sự thật lịch sử.
UNCLOS chỉ là một hiệp ước và còn có những hiệp ước khác", bà nói.
Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Del Rosario khẳng định rằng, cách tiếp cận trên cơ sở luật định là "duy nhất hợp pháp và khả thi để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông". Philippines đang theo đuổi cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS.
Đấu khẩu chủ quyền
Về mối liên quan của Mỹ trong khu vực, Đại sứ Trung Quốc bày tỏ hy vọng rằng, Mỹ sẽ "nắm vai trò xây dựng và tích cực trong việc khiến cho khu vực trở nên hoà bình và ổn định hơn". Bà nói: "Chúng tôi tin tưởng rằng, có một khả năng để Trung Quốc và Mỹ hợp tác trong khu vực này hơn là đối đầu. Chúng ta đang sống trong một thế giới mới, trong xã hội toàn cầu và tương tác lẫn nhau".
Đại sứ Trung Quốc cho hay: “Trung Quốc có những lợi ích của riêng mình, chúng tôi hy vọng những lợi ích ấy sẽ được các nước khác tôn trọng, bao gồm Mỹ, Philippines và các quốc gia khác. Cùng với đó, chúng tôi tôn trọng lợi ích của những nước khác. Bằng cách này, chúng ta có thể có lòng tin lẫn nhau và tăng cường hợp tác. Cuối cùng, phát triển kinh tế sẽ quyết định sự phát triển của một quốc gia", bà nhấn mạnh.
Buổi họp báo của tân Đại sứ Trung Quốc tại Philippines diễn ra vào cuối tuần qua. Đó cũng là tuần Trung Quốc có một số tranh cãi chủ quyền hàng hải với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hôm thứ sáu, Nhật Bản phản đối việc một tàu Trung Quốc xâm nhập vào lãnh hải xung quanh quần đảo ở biển Hoa Đông mà Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố có chủ quyền. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc để phản đối vụ "xâm nhập cực kỳ nghiêm trọng" của tàu hải giám Trung Quốc vào vùng nước Senkaku. Bộ này nói rằng, tàu Trung Quốc đã vào lãnh hải bất chấp "nhiều lần cảnh báo" từ lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản. Đây là vụ đầu tiên tàu nhà nước Trung Quốc tiến vào lãnh hải thuộc quần đảo kể từ tháng 8 năm ngoái.
Trước đó, báo chí Hàn Quốc đồng loạt đưa tin về việc quan chức Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc - Lưu Tứ Quy - trong một cuộc phỏng vấn với Tân hoa xã đã khẳng định, đảo đá ngầm Leodo - phía nam đảo Jeju (Hàn Quốc) tiếng Trung là Tô Nham Tiêu nằm dưới vùng biển do Trung Quốc kiểm soát. Đảo đá ngầm này nằm trong khu vực chồng chéo giữa hai vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của hai nước. Khu vực này cách đảo cực nam Marado của Hàn Quốc 149 km về phía tây nam, cách 247 km so với đảo gần nhất thuộc Trung Quốc là Đồng Đảo. Seoul luôn khẳng định quyền kiểm soát đối với nơi này.
Thái An (tổng hợp)