Trung Quốc rốt cuộc phải thừa nhất, trạm vũ trụ đầu tiên và duy nhất của nước này Thiên Cung-1 nhiều khả năng đã mất kiểm soát và dự kiến sẽ đâm xuống bầu khí quyển Trái đất vào năm tới.
Trạm vũ trụ Thiên Cung-1 của Trung Quốc được phóng vào quỹ đạo vào tháng 9/2011 nhằm giúp nước này diễn tập, chuẩn bị cho việc chế tạo và vận hành một tổ hợp trạm vũ trụ lớn hơn vào năm 2020. Thiên Cung-1 được trang bị các thiết bị theo dõi và cảm biến phục vụ việc quan sát không gian.
Tuy nhiên, suốt vài tháng trở lại đây trong dư luận râm ran các tin đồn về việc các chuyên gia điều khiển dưới Trái đất không còn kết nối được với Thiên Cung-1 và trạm vũ trụ này cuối cùng sẽ đâm xuống hành tinh của chúng ta nay mai.
Trong một cuộc họp báo mới diễn ra, Wu Ping, phó giám đốc văn phòng kỹ thuật vũ trụ của Trung Quốc, thừa nhận Thiên Cung-1 nhiều khả năng sẽ quay trở lại Trái đất vào nửa sau năm 2017. Theo ông Wu, trạm vũ trụ này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử là thu thập thông tin và hiện "đang nghỉ hưu sau những đóng góp quan trọng" cho tham vọng không gian của Trung Quốc.
"Dựa vào các tính toán và phân tích của chúng tôi, phần lớn trạm vũ trụ này sẽ bốc cháy trong khi rơi xuống", ông Wu cho biết. Quan chức này cũng nói thêm rằng, Thiên Cung-1 hiện đang trong tình trạng nguyên vẹn và di chuyển theo quỹ đạo ở độ cao gần 370km phía trên Trái đất.
Người ta hiện hy vọng, bất kỳ mảnh vỡ nào của Thiên Cung-1 sẽ rơi xuống biển, vì nếu không, chúng có thể văng xa, tiềm tàng nguy cơ gây tổn thất trên Trái đất. Nếu các chuyên gia điều khiển trạm vũ trụ này của Trung Quốc tin va chạm sẽ xảy ra, họ sẽ công bố dự báo cho toàn thế giới biết gần thời điểm đó.
Phát biểu trên tờ Guardian, nhà vật lý Jonathan McDowell thuộc Đại học Harvard (Mỹ) nhấn mạnh, trạm vũ trụ sẽ tái trở lại bầu khí quyển Trái đất "một cách tự nhiên", nên rất khó dự đoán các mảnh vỡ của nó sẽ rơi xuống vị trí nào trên Trái đất.
Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng trạm vũ trụ Thiên Cung-2 thay thế cho Thiên Cung-1 vào ngày 22/9.
Tuấn Anh (Theo ZDNet)