Xa sông, giấc ngủ tôi vọng về tiếng nước khua bờ. Cơn mơ tôi hiện lên bữa sông đầy gió, mấy cây gòn dọc sông thả bông bay la đà trên mặt nước…
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Trà Bồng, dòng sông tâm tưởng của tác giả Trần Cao Duyên.
1. Thuở nhỏ tôi mê “sông”. Đó là… vũng nước sau cơn mưa đọng trước sân nhà, thả thuyền giấy chừng một ngày là cạn. Vụ này tôi hay bị má la, “đừng vọc nước dơ, sanh ghẻ đó nghen”. Lên mười tuổi, tôi thêm mê sông khi cùng lũ bạn quần đùi áo cánh la cà bên khúc sông Trà Bồng. Dòng sông trong biếc này đã ru vỗ tưới tắm tuổi thơ tôi.
Lai lịch con sông đơn giản thôi. Những con suối nhỏ lẻ miền núi Quảng Ngãi nhận ra rằng chảy riêng cũng buồn. Một ngày đẹp trời, chúng rủ nhau chung dòng về xuôi. Bằng cách làm đầy nhau như vậy, chúng kiêu hãnh vì mình đã thành con sông cường tráng sức dài vai rộng. Uốn khúc qua những đồi, nương, rừng quế của huyện Trà Bồng, dòng nước trẻ trung cuồn cuộn “mượn” luôn địa danh này làm tên, nhập tịch Quảng Ngãi… ngay và luôn. “Thẻ căn cước” ghi: sông Trà Bồng.
Cát của sông. Bùn cũng của sông. Tôi và lũ bạn nhào trộn hai thứ đó, vo tròn lại, chia phe chơi trận giả, ném “lựu đạn” vào nhau. Cát pha bùn có mùi mồ hôi của ba ngày hai lượt vác lưới ra sông; có mùi mồ hôi của má ngày nào cũng nhọc nhằn trên đồng trên bãi. Với tôi, mùi cát mùi bùn thân thuộc lắm! Vậy nên tôi không thích câu ca dao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Những chiều mưa giông, cả lũ mặt mày lấm lem, luồn trong những lùm cây dọc sông bắt ếch. Trưa nắng lội ra sông cắm câu, thả lưới, mò cua. Có đứa lì lợm, trèo lên nhánh cây cao xòa ra mặt sông rồi thả mình xuống. Bọn nhát gan trên bờ hồi hộp đếm một hai ba, chờ cái đầu nó trồi lên thì reo hò ầm ĩ.
Mùa trăng, ông anh họ hay rủ tôi ra bờ sông ngồi ăn đậu phộng rang. Mười lần như chục, hễ trăng nhú lên khỏi đồi cát mọc đầy cỏ lông chông là chị kia tới. Lập tức tôi bị anh cho ra rìa với túm đậu phộng. Nhưng không sao. Ngồi riêng lẻ một mình nhai đậu phộng vẫn mặn mà hơn là ngồi “hai mình” mà ngó đâu đâu. Họ nói chuyện thì ít mà ngắt lá từ bi xả lung tung thì nhiều. Tôi nghe một đoạn “thoại” nhưng chẳng hiểu gì. Anh hỏi khi nào em sang sông, tui tiễn. Chị đáp, bên này cũng sông, sang làm gì. Anh nhìn vào mắt chị: “Nói giữ lời á nghen”. Chị nói sông có khúc người có lúc. Biết đâu chừng đó tui hát, “tưởng sông sâu tui bện sợi dây dài/ Nào hay sông cạn phí hoài sợi dây” thì sao? Anh đáp, “chừng nào núi Ấn* hết cây/ Sông Trà Bồng hết nước dạ này mới hết thương”. Giờ tôi mới biết hồi đó anh chị đang “tìm hiểu” nhau.
Một chiều giỡn ở mé sông, bị bạn xô ra chỗ nước sâu, tôi no nước, tưởng chết. May nhờ chụp được khúc cây khô trôi ngang, không thì nhang khói lâu rồi. Có đứa thóc mách. Ba đập bàn: “Một là mày từ sông. Hai là tao từ mày”. Ổng chuốt roi mây giắt mái hiên, nói: “Đất có Thổ Công sông có Hà Bá. Coi chừng”. Tôi khóc, hứa chỉ chơi trên bờ. Má dỗ dành, trên bờ hay dưới nước má cũng không cho. Xóm này có “noi”. Bỏ một đứa rồi. Con có chơi trên bờ thì “Hà Bá” cũng lôi ra giữa dòng. Khỏi nói, tôi ghét “Hà Bá” cỡ nào.
Xa sông, giấc ngủ tôi vọng về tiếng nước khua bờ. Cơn mơ tôi hiện lên bữa sông đầy gió, mấy cây gòn dọc sông thả bông bay la đà trên mặt nước. Có lần đám trẻ ngẩn ngơ ngắm sông mặc áo mới. Đó là lúc muôn ngàn cánh hoa li ti màu vàng ở đâu xuôi xuống, lớp trôi, lớp mắc cạn trên từng ngấn phù sa. Những chiều sông dâng, củi từ thượng nguồn dạt về. Xóm ven sông chèo thuyền ra vớt củi đông vui lắm. Trí nhớ mù sương của người già còn lưu lại cái tên “bến Củi”. Chắc là chỗ này đây. Lên phố sinh sống, sông vẫn là niềm nhớ! Nhớ từ bờ gần nhớ qua, nhớ từ bờ xa nhớ lại. Nỗi nhớ gợn nhẹ mà không hề nguôi ngoai.
2. Xong lớp 9, tôi lên thị trấn Châu Ổ học tiếp, ở trọ nhà dì. Cách nhà một đỗi đường, gặm chưa hết mấy trái ổi chua, tôi sững sờ gặp lại “người bạn cũ”. Vẫn là dòng Trà Bồng nhưng rộng hơn khúc sông làng tôi. Cô bạn cùng lớp người “bản xứ” nói hết cái “vòng cung nước” ôm ấp làng Đông Yên (quê nhà thơ Tế Hanh) là sông tuôn ra cửa Sa Cần, hòa vào biển. Vòng cung xanh mướt kia là nơi dòng sông bịn rịn mấy lần ngoái lại trước khi nhập “hội trùng dương”. Biển lớn lao nhưng lúc nào cũng mang nặng tình sông nghĩa suối.
Sông vừa trôi vừa kiến tạo đôi bờ những bãi bồi xanh mướt vườn tược ngô khoai. Tôi nói với cô bạn, gần sông thì đất tốt, cây xanh, trái ngọt. Con gái ở đây mắt có sóng cũng nhờ sông. Cô bạn hứ cái rét: “Ông tán tui hả?”. Hồi đó trai tơ quá lơ ngơ. Phải như bây giờ, tôi sẽ nói nhứt cận thị nhị cận giang mà “em”.
Chuyện cái roi giắt mái hiên không hiểu sao dì biết. Cũng như mẹ, dì răn tôi nhưng thiếu… quyết liệt. Dượng nhổ râu, nhìn tôi cười cười, nói trẻ nhỏ ở đây bơi sông như cơm bữa, có sao đâu. Một bữa dượng rủ: “Chủ nhựt này mày theo tao đi thả lưới, sẵn tao dạy cho mày bơi luôn. Đừng có ngu như tao hồi nhỏ, nghe người lớn xúi dại bắt chuồn chuồn cắn rún đau muốn chết”. Tôi sướng râm ran, thầm phong dượng là… “thánh”.
Rồi tôi biết bơi. Hễ rảnh là ra sông “dang tay ôm nước vào lòng” để sống tận cùng cái cảm giác “sông mở nước ôm tôi vào dạ” (Nhớ con sông quê hương - Tế Hanh). Nói có sông làm chứng, từ khi biết bơi tôi mới thấm cái hay của hai câu thơ ràng rịt yêu thương đó. Sau này đọc thơ Thanh Thảo: “Hai bờ trông nhau sao giống hai ta/ Dòng sông rộng như cuộc đời chảy giữa”…, tôi càng yêu con sông Trà Bồng, dù mấy câu thơ đó ông viết cho sông Hồng xa tít ngoài kia. Mà đâu có sao? Thơ kết nối tất cả.
Ba má ra thăm dì dượng. Không biết “thánh phán” kiểu gì mà ông bà ngó lơ cho tôi cái tội… bước qua lời nguyền để tập bơi và bơi giỏi. Ba nói: “Thôi vậy cũng được”. Má thủ thỉ: “Con bơi chỗ càn cạn nghen con”. Tôi cười: “Má, chỗ cạn thì lội chớ làm sao bơi”. Má nghiêm giọng: “Thằng cha mày! Trứng khôn hơn vịt. Người ta hay chìm chỗ cạn đó con”.
Trưa hè, người ven sông hay nằm võng nghỉ ngơi dưới những lùm tre lả ngọn. Hơi sông mát rượi. Gió mơn man phả lên bao chuyện đời, chuyện sông; chuyện mùa màng, thu hoạch, gieo trồng, cấy hái. Sông bị “cảm”, người sao tránh được “cơn ho”. Sông sạch thì từ ngọn rau, trái bầu tới con tôm, con cá mới ngon lành bổ dưỡng. Một bà mẹ kể, con gái lao động bên Hàn hay gọi điện hỏi sông quê mình sao rồi. Tui nói cũ rích, hổng có gì mới hết. Nó nói “cũ rích, hổng mới” là tốt lắm đó má. Con sợ cái mới là “dự án có ống khói” thì bên này con sẽ… khóc một dòng sông.
3. Sinh sống trên phố nhưng Trà Bồng vẫn là dòng sông “lối cũ ta về” của tôi và bè bạn. Nhớ quê chính là nhớ sông. Một lần nhóm bạn cắm trại trên bãi dương ven sông, ông già vác cần câu đi ngang nhìn lom lom. Mời vô trại uống nước, ông nói bông lông, rằng thời buổi này dòng tiền dễ làm hư dòng sông. Phát gì thì phát, triển gì thì triển cũng nên coi sông như trứng mỏng. Moi móc tận lòng sông lấy cát, hỏi sông nào không đau? Đừng nói sông sâu bên lở bên bồi. Hễ moi ruột sông thì bên nào cũng lở. Sông không khỏe liệu người bên sông có hồng hào? Trống giong cờ mở, lời hay ho thường là “dự án này sẽ đánh thức dòng sông”. Xưa giờ sông có ngủ lúc nào đâu mà đánh thức?
Linh cảm của ông già là thứ linh cảm có sóng mỗi lần ngẫm ngợi về con sông quê ông. Lời người đi câu là lời của cả xóm câu, của bao nhiêu làng mạc hai bên bờ sông này. Trái tim người yêu sông có thể nhìn thấu những thẳm sâu của sông, điều mà mắt thường không thể thấy.
Nói “dự án” mới nhớ chuyện này. Năm đó làng có gần chục sinh viên vừa tốt nghiệp. Ông anh là nhà thơ “cấp tỉnh” treo giải một chầu “rôm báp” (giọng Quảng Ngãi, ram bắp thành “rôm báp”) nếu có thơ hay về sông Trà Bồng. Tụi mình có bữa bù khú rất vui nhờ bài thơ mùi mẫn của T., dân sư phạm ngữ văn. Ra trường, không trụ được ở phố, T. về làng lập HTX chế biến nông sản. Một khúc sông gần đó chuyển màu từ xanh qua xám. Dân phát hiện đường ống ngầm dẫn nước thải ra sông. Ngành chức năng vào cuộc, buộc T. khắc phục hậu quả, giải tán cơ sở. Lâu lâu gặp, anh em hay đọc lại bài thơ “đạt giải” để chọc T. Nó cười ha hả: “Hồi đó tao ngu nên bị thơ… cắn”. Đúng ra đừng giấy trắng mực đen. Yêu sông thì nói “miệng” để lỡ có gì… dễ chối. Giờ tao mang tiếng hại sông suốt đời rồi”.
Năm tháng xa quê tôi vẫn nghe sóng sông Trà Bồng lăn tăn trong tâm tưởng. Sông dạy tôi bằng “triết lý”: Đã là sông thì không tù đọng. Luôn vượt chướng ngại để chảy, để xanh, để làm mới mình, dòng chảy càng xa càng nhiều phù sa gởi lại. Giữa lúc “dự án” cứ như… ma trận, tôi mơ về một thành phố du lịch “mềm mại”, cây xanh tỏa bóng bên dòng sông lặng lờ trôi. Nơi đây người với sông giao hòa, thân thiện.
Không ai chết vì không yêu sông. Nhưng có sông để mà yêu sẽ thấy tâm hồn luôn dạt dào, tươi mát.
Trần Cao Duyên
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.