Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) giảm xuống còn 29,88%. Theo chỉ tiêu tỉnh giao năm 2024, huyện Trà Bồng sẽ giảm 9,58% hộ nghèo, tương đương 1.358 hộ thoát nghèo; huyện đề ra chỉ tiêu giảm 10% hộ nghèo, tương đương 1.510 hộ thoát nghèo. Đây là một thách thức lớn trong công tác giảm nghèo của huyện.

Trong 3 năm 2022-2024, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 335 tỷ đồng, riêng năm 2024 là trên 140 tỷ đồng.

Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, lãnh đạo Huyện ủy Trà Bồng tổ chức đi khảo sát thực tiễn công tác giảm nghèo ở 16 xã, về tại địa bàn thôn trên địa bàn huyện từ việc hỗ trợ xây dựng nhà ở, sinh kế, tìm hiểu khó khăn và  nắm nhu cầu cụ thể của từng thôn, hộ dân.

Đây là cơ sở để lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền huyện có biện pháp chỉ đạo công tác giảm nghèo trên từng xã, bởi mỗi xã, mỗi thôn lại có đặc thù riêng, có mô hình riêng.

Theo lãnh đạo huyện Trà Bồng, hướng chỉ đạo các phòng, ban, địa phương ngoài chủ trương chung phải vận dụng linh hoạt, cụ thể từng cây trồng vật nuôi, hướng dẫn bà con sao cho phù hợp đặc thù từng thôn, từng nóc nhà...

Thôn Kà Tinh, xã Trà Sơn, có 85 hộ dân. Năm 2023, thôn có 14 hộ thoát nghèo, còn 34 hộ nghèo. Trừ những hộ già yếu, neo đơn không nơi nương tựa, không còn sức lao động, năm 2024, thôn đang tích cực vận động bà con nỗ lực làm ăn, cộng với sự hỗ trợ của nhà nước về nhà ở, sinh kế để giảm số hộ nghèo.

Người dân nghèo nơi đây đã biết phát huy các nguồn hỗ trợ của Nhà nước như cây trồng, vật nuôi, tự giác hơn để phát triển kinh tế. Nhờ sự hỗ trợ về nhà ở của Nhà nước và cộng đồng, toàn thôn đã xóa nhà tạm, hầu hết người dân có nhà xây kiên cố.

Vợ chồng anh Hồ Văn Lách ở thôn Trung, xã Trà Sơn, được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Gia đình anh còn được cấp 2 con bò giống làm sinh kế.

Từ nguồn hỗ trợ, cộng với gia tài sẵn có và vài rẫy keo, anh Lách chăm chỉ đi làm công nhân, năm 2024, gia đình anh chính thức thành hộ thoát nghèo. Hiện nay, 2 vợ chồng cùng nhau nỗ lực phát triển kinh tế. Anh đi làm ca công nhân, ngoài giờ, anh phụ vợ trồng cỏ nuôi bò, làm keo, làm lúa… 

Gần 1.000 hộ nghèo, cận nghèo cần được hỗ trợ nhà ở 

Theo Quyết định số 1421/QĐ-UBND ngày 13/12/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện cần được hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa trên địa bàn huyện Trà Bồng là 3.152 hộ. 

Năm 2024, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện cần được hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở trên địa bàn huyện là 993 hộ, trong đó có 756 hộ nghèo và 237 hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. Đại đa số các hộ nghèo, cận nghèo cần được hỗ trợ nhà ở là người dân tộc thiểu số.

W-giam ngheo.jpg
3.152 hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Trà Bồng cần được hỗ trợ xây, sửa nhà ở trong giai đoạn 2021-2025 từ kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Hồi tháng 8, tại cuộc họp về tiến độ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 của Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, lãnh đạo UBND huyện Trà Bồng nhận định hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là chủ trương lớn, chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Mục tiêu của chương trình nhằm phấn đấu xoá nhà ở tạm bợ, tranh tre, nứa lá, có chỗ ở vững chắc cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện và góp phần giúp hộ gia đình an cư, lập nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững.

Đây cũng là tiêu chí đánh giá rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và giải quyết dứt điểm chỉ số thiếu hụt về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.

Đến nay, một số địa phương đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, giải ngân dự án đạt kết quả khá như: Xã Hương Trà (143 hộ cần xây, sửa), xã Trà Xinh (127 hộ), xã Trà Phong (116), thị trấn Trà Xuân (15),...

Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Trà Bồng cũng đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tiến độ triển khai thực hiện xây dựng nhà ở cho các đối tượng ở một số địa phương còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra, giải ngân còn thấp.

Một số địa phương đến nay vẫn chưa thực hiện giải ngân kinh phí được giao; nguồn vốn vay chưa được cấp có thẩm quyền bố trí; việc triển khai xây dựng nhà ở cho các đối tượng năm 2023 vẫn còn một vài xã chưa hoàn thành...

Từ những khó khăn này, lãnh đạo huyện Trà Bồng đưa ra yêu cầu cụ thể để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và hoàn thành xây dựng nhà ở cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo.