Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2023 bao gồm 73 doanh nghiệp. Trong số này có nhiều cái tên đáng chú ý trên sàn chứng khoán như CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP (Seaprodex - mã SEA) , Tổng Công ty Licogi - CTCP (mã LIC)…

Tại Nhựa Bình Minh, tỷ lệ vốn sẽ được thoái còn rất ít. Đây là đợt bán cuối cùng, hoàn tất việc thoái vốn Nhà nước tại một doanh nghiệp nhựa hàng đầu tại Việt Nam cả về thương hiệu lẫn hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo đó, SCIC thoái toàn bộ 19.983 cổ phiếu BMP (tỷ lệ 0,02% vốn điều lệ). Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh, mức giá tối thiểu 72.300 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến trong vòng 1 tháng từ tháng 5-6/2023. 

Trong 2 tháng qua, cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh tăng rất mạnh, từ mức 57.000 đồng/cp lên 87.000 đồng/cp. Mức này cao hơn khoảng 20% so với giá chào bán tối thiểu trong thương vụ thoái vốn của SCIC tại BMP.

Với diễn biến tích cực, SCIC sẽ bán được ở mức giá cao. Tuy nhiên, lượng cổ phiếu không đáng kể do vậy giá trị thu về cũng rất nhỏ.

Cổ phiếu BMP tăng mạnh có lẽ không phải từ thông tin SCIC thoái vốn mà do kết quả kinh doanh tốt và kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ cao.

Trong quý I/2023, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu tăng 7% lên gần 1.450 tỷ đồng. Lãi ròng hơn 280 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. EPS đạt 3.430 đồng/cp - một tỷ lệ rất ấn tượng. Tính tới cuối quý I, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của BMP đạt gần 880 tỷ đồng.

Trong năm 2023, BMP đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 6.357 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế được đưa ra ở mức 651 tỷ đồng.

Ngành nhựa Việt Nam có tỷ suất sinh lời cao. (Ảnh: DV)

Từ năm 2020-2022, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, BMP vẫn đều đặn chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ rất lớn.

Cổ đông Thái The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd - một thành viên của Tập đoàn SCG hiện nắm 55% và "đút túi" lượng tiền cổ tức lớn nhất.

Trong khoảng một thập kỷ qua, tập đoàn Thái đã từng bước thâu tóm xong thương hiệu nhựa hàng đầu Việt Nam. Từ 3/2012, The Nawaplastic trở thành cổ đông lớn sau khi bỏ ra hơn 240 tỷ đồng sở hữu hơn 16,7% cổ phần BMP.

Đến giữa năm 2018, tổ chức này nắm giữ 54% cổ phần BMP. Sau đó, doanh nghiệp Thái đã nâng tỷ lệ nắm giữ lên 55% tại BMP.

Ước tính, tập đoàn này chi ra khoảng 2.700 tỷ đồng để sở hữu 55% cổ phần BMP. Hiện số cổ phần này có giá trị khoảng 4.000 tỷ đồng. Cổ đông người Thái cũng hưởng một lượng lớn cổ tức bằng tiền mặt (năm 2022 là 84%) trong nhiều năm qua, có thể lên tới 1.400 tỷ đồng. BMP được xem là “gà đẻ trứng vàng” cho The Nawaplastic.

Cách đây thập kỷ, Nawaplastic thuộc ông lớn The Siam Cement Group (SCG) cũng đã có ý định thâu tóm Nhựa Tiền Phong (NTP) để trở thành cổ đông lớn. Đây là bước đầu tiên trên con đường thâu tóm chuỗi giá trị ngành nhựa Việt Nam.
Tuy nhiên, Nawaplastic đã thoái vốn khỏi NTP và chuyển sang BMP để tránh vấn đề chống độc quyền. 

Theo Luật Cạnh tranh, nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường là hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên. Khi đó, nếu chi phối cả BMP và NTP, tập đoàn Thái giữ 55% thị phần ngành nhựa Việt.

Tại Việt Nam, nhựa là một ngành có biên lợi nhuận khá cao so với các ngành khác trong lĩnh vực xây dựng. Tập đoàn Thái SCG hiện sở hữu chi phối Công ty TPC Vina - đơn vị cung cấp 15% sản lượng hạt nhựa cho Việt Nam. Điều này giúp BMP chủ động được nguồn nguyên liệu vốn biến động liên tục về giá.

Đồng thời, BMP cũng được hỗ trợ bởi hệ sinh thái các công ty con trong ngành xây dựng mà SCG thâu tóm trong thập kỷ qua.

Ngoài BMP, SCG thông qua công ty con cũng mua lại hàng loạt doanh nghiệp nhựa có tiếng tại Việt Nam như Nhựa Tín Thành, liên doanh Việt - Thái Plastchem, Vật liệu nhựa Minh Thái…

Trước đó, hồi cuối tháng 4/2023, Nhựa Bình Minh có Nghị quyết HĐQT về việc bầu Chủ tịch HĐQT và Phó Chủ tịch HĐQT. Theo đó, ông Sakchai Patiparnpreechavud được bầu làm Chủ tịch HĐQT; ông Chaowalit Treejak được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT.

Về triển vọng kinh doanh của Nhựa Bình Minh, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, việc hồi phục nguồn cung từ các dự án bất động sản sẽ là động lực thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận chính cho BMP. Bên cạnh đó, BMP đang gia tăng thị phần tại các thị trường miền Bắc và miền Trung bằng các chính sách khuyến mãi hấp dẫn.

Tuy nhiên, theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Nhựa Bình Minh có thể còn gặp nhiều thách thức trong năm 2023 và dần phục hồi từ 2024. Các chuyên gia cho rằng, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhựa xây dựng sẽ kém khả quan do nhu cầu ống nước phụ thuộc vào diễn biến của thị trường thị trường bất động sản và xây dựng cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế.