Sách đã đọc gom đủ 1 kệ
- Hình như hôm nay Trà Hằng đến buổi trò chuyện có mang theo quyển sách trong túi, chị có thể giới thiệu đôi chút về nó?
Nói ra hơi vô tâm nhưng tôi đọc sách thường hiếm khi xem tác giả. Chẳng hạn như cuốn Sức mạnh tiềm thức của tác giả Joseph Murphyc này, tôi đọc được một nửa nhưng rất thích! Đây là cuốn sách rất hay giúp vực dậy một con người đang nản chí, mang cho họ động lực phấn đấu. Đọc xong, bạn sẽ thấy không “an phận thủ thường” với cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt nữa mà sẽ đứng dậy thay đổi nó.
Cuốn này cũng tạo cho tôi niềm tin với cuộc sống. Đôi khi vì những chuyện lọc lừa thị phi bạn có thể đọc đâu đó mỗi ngày mà con người đánh mất niềm tin vào nhau, từ đó chúng ta không còn niềm tin giúp đỡ người khác nữa. Vậy thì cuốn sách này sẽ giúp bạn lấy lại niềm tin cho hành động và tôn chỉ sống của mình!
Ngoài cuốn này, cuốn Tập trung - Sức mạnh của tư duy có mục tiêu (tác giả Jurgen Wolff) cũng làm thay đổi tôi. Hồi học ở FPT, tôi được thầy hướng dẫn đọc cuốn ấy và thích từ đó. Đây là cuốn sách dạy tôi cách tư duy, lập kế hoạch sắp xếp cuộc đời mình. Ngày xưa, tôi ít suy nghĩ nhiều, sống vui hôm nay không cần biết ngày mai làm gì. Sau khi đọc xong cuốn Tập trung - Sức mạnh của tư duy có mục tiêu, tôi đặt ra mục tiêu rõ ràng từng mốc tuổi trong đời mình sẽ làm gì.
Không chỉ sáng tạo, cuốn sách còn bày cách cho bạn sáng tạo trên sáng tạo của người khác. Có những thứ người khác làm tốt với họ nhưng chúng ta có thể làm lại còn tốt hơn. Nắm được cốt lõi tư duy này, tôi thấy hữu ích rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày. Trong kinh doanh, có những con đường người khác làm không thành công nhưng khi tôi áp dụng lại đạt hiệu quả.
Có một câu tôi nhớ đại khái là: Đừng nản lòng với thất bại vì sau thất bại sẽ là thành công. Tôi từng thất bại nhưng câu này cho tôi động lực làm và làm vì tôi tin sẽ có ngày mình thành công thôi. Trước đây, tôi mở nhà hàng cho mẹ và thất bại, phải sang quán những kinh nghiệm từ lần thất bại ấy giúp tôi áp dụng vào việc điều hành nhà hàng hiện tại tốt hơn rất nhiều.
Trà Ngọc Hằng bên cuốn "Sức mạnh tiềm thức". |
- Thói quen đọc của chị hình thành thế nào?
Hồi nhỏ mẹ thường kể cho chị em chúng tôi những câu chuyện cổ tích. Hồi ấy, tôi thích nghe hơn đọc nhưng sự thật việc nghe chỉ lướt qua thôi. Chỉ khi đọc bạn mới cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, giá trị trong từng con chữ cũng như ghi nhớ chúng. Lên Sài Gòn học, tôi bắt đầu thích đọc vì ở thành phố có rất nhiều sách. Tôi cũng hay được đứa em họ đưa sách cho đọc, thế là đã thích lại càng thích hơn!
Tôi học chuyên ngành Kinh doanh ở Đại học FPT. Mỗi môn học, tôi đều phải đọc vài cuốn sách, chưa kể thư viện ở trường cũng rất lớn và đầy đủ. Tôi thích đọc sách kinh doanh, tâm lý và self-help. Không giống các cô gái mới lớn, tôi không thích tiểu thuyết vì không áp dụng được gì vào thực tế.
Hồi xưa, tôi duy trì thói quen đọc 2 tiếng/ngày trước khi đi ngủ nếu tối đó không đi sự kiện. Chẳng hạn nếu 22h ngủ tôi sẽ bắt đầu đọc lúc 20h. Đọc sách trước khi ngủ giúp ghi nhớ tốt hơn bình thường. Tôi không nhớ mình đọc bao nhiêu cuốn nhưng số sách tôi đã đọc gom đủ một kệ đấy.
Đọc sách một mình là phút bình yên giữa đời xô bồ
- Vì sao trong túi chị là cuốn sách in khi chị có thể đọc trên những phương tiện khác, như sách điện tử? Có người còn cho rằng, chúng ta có thể học mọi thứ trên nền tảng Internet, mạng xã hội đấy...
Đọc sách giấy hay hơn rất nhiều chứ! Tôi vốn thích đi nhà sách, thư viện, thích không gian chỉ có mỗi mình và cuốn sách. Buổi sáng, tôi đưa con đi học xong là ghé quán café ngồi đọc sách một mình. Dĩ nhiên, khi đã có con, tôi không đọc nhiều như thời son rỗi nhưng vẫn duy trì việc đọc sách. Tôi hiện ít đọc sách kinh doanh hơn, thay vào đó là sách tâm lý và sách bày phương pháp dạy con.
Càng tiếp xúc mạng xã hội, tôi thấy ảo quá. Vì mình là nghệ sĩ và làm kinh doanh nên phải dùng mạng xã hội làm công cụ marketing. Nếu ngừng hoạt động showbiz, tôi sẽ không dùng Facebook nữa. Tôi vẫn đăng Facebook hầu như mỗi ngày nhưng việc cặm cụi lướt bảng tin xem ai đăng gì, nói gì vô nghĩa lắm.
Tôi có thể lên mạng Internet để đọc tin tức, cập nhật đời sống xã hội nhưng sách là một phạm trù hoàn toàn khác. Chắc chắn trong cuộc sống xô bồ, tôi phải có thời gian trầm lặng ngấu nghiến từng con chữ trong cuốn sách. Đó là những phút tôi thấy bình yên, được cất chiếc điện thoại thông minh sang một bên.
- Chị, một người được ba mẹ giáo dục cẩn thận, học hành bài bản và yêu đọc sách - dường như không giống lắm với những gì người ta mô tả về mình như "Người đẹp nhìn ngực", "chân dài não phẳng"...?
Tôi vẫn biết tất cả những gì người ta nói về mình. Tôi từng hỏi cháu mình: Người ta nhìn hình Út (Trà Ngọc Hằng là con út trong gia đình - PV) thường thấy không thích. Họ hầu như chỉ có thể nhận xét là mặt Út chảnh, Út chân dài, ăn mặc phóng khoáng… chắc là dân không đàng hoàng. Vậy thì tại sao Út trong hình và ngoài đời lại khác nhau? Bé nói là: Vì khi nói chuyện với Út, người ta mới thấy Út là người có hiểu biết. Tôi có thể nói đây là điểm tôi tự tin thu hút được người đối diện. Có thể vẻ ngoài của tôi phóng khoáng nhưng khi đã giao tiếp, họ sẽ có cách nhìn khác, biết con người tôi thế nào. Còn những ai không chịu hiểu thì thôi, tôi nhiều thị phi lắm rồi, có thêm nữa cũng chẳng sao.
- Bản thân thích sách, chị định hướng con thế nào để bé cũng ham đọc giống mẹ?
Hàng ngày, tôi đọc sách cho bé nghe như cách mẹ tôi làm ngày xưa. Nếu không có thời gian đọc, tôi sẽ cho bé nghe sách nói mỗi tối trước khi ngủ. Không biết vì sao mới 2 tuổi nhưng Sophia thích nghe sách nói và nghe kinh. Chẳng hạn, nếu tôi hỏi: Con muốn nghe nhạc hay nghe kinh? thì bé chọn nghe kinh ngay. Nếu tôi không mở, bé có thể tự vào điện thoại mở kinh để nghe. Bé như cây non vậy, bạn phải nắn cây lớn lên mới mọc thẳng. Chỉ khi cây mọc thẳng rồi, nó muốn trổ lá, kết quả thế nào để tự nhiên thôi.
Gia Bảo
Ảnh: Bảo Hòa
Trà Ngọc Hằng từng muốn tự tử vì áp lực sinh con một mình
"Sinh con xong, tôi không tiền, không chồng, sau lưng mình còn cả gia đình phải gánh vác. Tôi stress tới nỗi ngực không ra sữa mà ra máu", Trà Ngọc Hằng nhớ lại thời gian kinh khủng.