Thảo luận tại tổ chiều nay (24/5) về Tổng kết, đánh giá kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ, trải dài suốt 5 khóa, Quốc hội đã theo dõi sát sao nhưng mục tiêu kết nối toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) vẫn không thực hiện được.
Đặt hàng loạt vấn đề cần làm rõ như sự chậm trễ trong thực hiện dự án làm giảm bao nhiêu phần trăm hiệu quả? Thiệt hại này có thể định lượng được không?, có biểu hiện của sự lãng phí không?, ĐBQH đề nghị cơ quan chủ trì dự án nên có câu trả lời trước Quốc hội.
Nhấn mạnh sự băn khoăn khi lần này Chính phủ chỉ trình bố trí vốn cho 3 đoạn tuyến, ĐB Tạ Thị Yên đặt vấn đề liệu những đoạn còn lại có phải “để dành cho Quốc hội khóa sau quyết định hay không?”.
Với 171km chưa được bố trí nguồn vốn, bà Yên cho rằng đây là những vùng “cần ưu tiên bố trí vốn nhưng chưa được ưu tiên”. Vì vậy, Chính phủ cần giải trình trước Quốc hội về vấn đề này.
“Việc triển khai dự án vẫn chậm 5 năm so với tiến độ, chưa rõ thời gian kết thúc nên đề nghị Chính phủ làm rõ tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến. Dự án tới nay đã được 18 năm, và theo tờ trình của Chính phủ chắc mất thêm 10 năm nữa", bà Yên nói. Phó Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị Chính phủ bố trí vốn để hoàn thành 171km còn lại, thông tuyến vào 2025 và không để dự án bị cắt khúc nữa.
Đồng tình việc hoàn thành toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là rất cần thiết, song theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, trong quá trình sử dụng nguồn lực quốc gia cần tính toán, cân nhắc kỹ việc đầu tư vào công trình nào, dự án nào.
Nhắc lại hoàn thành toàn tuyến là điều lý tưởng, nhưng ông Mạnh cho rằng phương án Chính phủ đưa ra khá tối ưu, giống như trong gia đình, nếu chỉ có ngần ấy tiền thì phải quyết định bỏ tiền vào đâu.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) thẳng thắn nhìn nhận “một phần trách nhiệm” của ĐBQH khi trong 18 năm, đường Hồ Chí Minh chưa thể hoàn thành.
Với mong muốn con đường sớm đưa vào sử dụng, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguồn lực để Quốc hội có thể mạnh dạn bấm nút thông qua, đầu tư những đoạn tuyến còn lại. Nếu không, Quốc hội cũng cần quyết tâm yêu cầu Chính phủ dành riêng một nguồn lực đặc biệt để thực hiện, không thể nói không có nguồn lực thì chưa làm.
Góp ý thêm về nguồn vốn, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách), khẳng định việc Nhà nước thực hiện đầu tư công dự án này trong bối cảnh huy động nguồn lực xã hội gặp khó khăn là giải pháp hợp lý.
Ủng hộ chủ trương huy động nguồn lực PPP, nhưng nữ đại biểu nói “có khả năng thu hồi vốn mới hấp dẫn được doanh nghiệp”.
“Riêng đoạn đường Hồ Chí Minh, khả năng thu hồi vốn rất khó, kể cả chúng ta có khuyến khích thì nhà đầu tư cũng sẽ cân nhắc rất thận trọng nên huy động PPP là khó khả thi”, nữ đại biểu phân tích.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, dự án đường Hồ Chí Minh đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km.
Đến nay đã hoàn thành 2.362km (86,1%) và khoảng 258km tuyến nhánh; đang triển khai 211km. Còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện, gồm 3 đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (thuộc dự án thành phần Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn); Cổ Tiết - Chợ Bến (thuộc dự án thành phần Đoan Hùng - Chợ Bến); Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Chính phủ tính toán tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là 99.170 tỷ đồng.
Khẳng định tầm quan trọng của dự án, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dù đã quá thời hạn 2 năm, vẫn cần quyết tâm hoàn thành.
Thể hiện quan điểm “dứt khoát bố trí vốn để làm cho xong”, Chủ tịch Quốc hội gợi ý dùng nguồn vốn từ tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm hoặc nguồn vốn hợp pháp khác.
Với 3 đoạn tổng chiều dài 171km, tổng mức đầu tư là 10.770 tỷ đồng chưa được bố trí nguồn vốn; trong đó 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận cần ưu tiên đầu tư để nối thông tuyến có tổng mức đầu tư 5.570 tỷ đồng.
Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng số liệu, đảm bảo thống nhất, tính chính xác trong việc cân đối bố trí nguồn vốn và chịu trách nhiệm về các số liệu báo cáo Quốc hội.
Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến, trong khi Nghị quyết của Quốc hội không quy định tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án; thứ bậc ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thành phần trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…
Thu Hằng - Trần Thường
Cần 10.000 tỷ để hoàn thành nốt 171 km đường Hồ Chí Minh
Đường Hồ Chí Minh chậm 2 năm, Thường vụ Quốc hội đề nghị rút kinh nghiệm
Thường vụ Quốc hội đề nghị rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện dự án đường Hồ Chính Minh chậm tiến độ 2 năm so với yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội đề ra.