Tết năm trước, tôi lỡ chuyến bay từ TP.HCM về quê vì sân bay Tân Sơn Nhất quá đông đúc. Sau khi mất hơn 1 tiếng xếp hàng chờ đến lượt kiểm tra an ninh, tôi mới biết cửa ra tàu bay đã đóng. Chờ thêm hơn 6 tiếng, tôi may mắn được hãng hàng không bố trí chỗ trên một chuyến bay sau còn trống ghế.

Với trải nghiệm đáng quên này, tôi quyết định thử bay vòng sang Thái trong hành trình về quê ăn Tết năm nay.

Thêm vào đó, trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Triều Tiên diễn ra ở sân vận động Rajamangala, Bangkok vào ngày 16/1. Do đó, tôi xin nghỉ phép sớm vài ngày để được lần đầu trực tiếp xem Việt Nam thi đấu, một việc rất bình thường với cổ động viên ở Hà Nội nhưng lại "xa xỉ" với người hâm mộ tại TP.HCM.

Bay rẻ hơn, không phải xếp hàng

Đề phòng chuyến bay có thể gặp trục trặc, tôi đặt vé máy bay khởi hành tối 15/1 từ TP.HCM đi Bangkok. Do trận đấu của tuyển Việt Nam kết thúc vào lúc hơn 22h, tôi lựa chọn chuyến bay trở về Đà Nẵng cất cánh ngày 17/1.

Như vậy, thay vì chỉ mất 2 giờ bay như mọi năm, tôi trải qua gần 48 giờ để về quê trong dịp Tết năm nay.

Đặt vé trước ngày khởi hành gần 1 tháng, tổng giá vé máy bay cho cả 2 hành trình từ TP.HCM đi Bangkok và từ Bangkok đi Đà Nẵng chỉ hơn 2,3 triệu đồng. Con số này vẫn thấp hơn giá vé máy bay 1 chiều từ TP.HCM về Đà Nẵng vào dịp Tết khoảng 2,5 triệu đồng.

{keywords}
Bay vòng qua Bangkok giúp tôi có cơ hội tham quan thủ đô của Thái Lan và tránh cảnh xếp hàng đông đúc ở Tân Sơn Nhất ngày giáp Tết.

Tuy nhiên, đây là mức giá khi lựa chọn các hãng hàng không giá rẻ và chưa bao gồm phí hành lý ký gửi. Nếu cần ký gửi hành lý, giá vé sẽ cộng thêm 300.000-400.000 mỗi chiều bay.

Đúng như hình dung của tôi, việc check-in tại ga đi quốc tế ở Tân Sơn Nhất nhanh hơn rất nhiều so với nhà ga quốc nội những ngày giáp Tết. Thay vì phải mất vài chục phút đợi đến lượt làm thủ tục, tôi có thể check-in ngay tại quầy cho chuyến bay đi Bangkok mà không phải chờ đợi.

Sau khi check-in, tôi cũng chỉ mất khoảng hơn 10 phút để chờ đến lượt đóng dấu xuất cảnh. Chuyến bay từ TP.HCM đi Bangkok của tôi xuất phát lúc 17h35 không bị trễ giờ, tình trạng mà nhiều hành khách liên tục phàn nàn về những chuyến bay Tết khởi hành vào khung giờ chiều tối suốt những ngày qua.

Sau khi máy bay đáp xuống Bangkok, tôi mua vé tàu điện Airport Rail Link xuất phát từ sân bay Suvarnabhumi để tiết kiệm thay vì đi taxi. Di chuyển bằng các phương tiện công cộng ở Bangkok cũng là cách để tôi để tiết kiệm chi phí đi lại so với đặt xe qua Grab hay gọi taxi.

Chuyến tàu cũ kỹ đi sân bay Don Mueang

Không có nhiều thời gian lưu lại Bangkok, tôi dành thời gian di chuyển trên buýt sông để ngắm thủ đô của Thái Lan và tham quan một số địa điểm như Cung điện Hoàng Gia, Chùa Phật Ngọc hay con phố Khao San.

Một ngày tại Bangkok kết thúc không thật sự trọn vẹn khi U23 Việt Nam để thua U23 Triều Tiên 1-2 và không thể đi tiếp vào vòng tứ kết của giải U23 châu Á. Dù vậy, các cổ động viên Việt Nam có mặt trên sân Rajamangala không bỏ về trước mà vẫn nán lại đến cuối để động viên các tuyển thủ.

{keywords}
Vé vào xem trận đấu của U23 Việt Nam ở sân Rajamangala có giá 100-400 bath và dễ dàng mua qua website.

Hôm sau, tôi lên đường ra sân bay để trở về Đà Nẵng với chuyến bay khởi hành từ sân bay Don Mueang.

Là sân bay cũ của Bangkok, Don Mueang không có tuyến tàu điện kết nối với trung tâm thành phố như Suvarnabhumi. Hầu hết bạn bè tôi đến sân bay này đều đi lại bằng taxi và khuyên tôi chọn cách di chuyển này.

Nhưng để tiết kiệm chi phí, tôi thử lần theo hướng dẫn của Google Maps, chỉ sử dụng phương tiện giao thông công cộng di chuyển từ khách sạn đến sân bay Don Mueang.

Sau khi lên tàu điện trên cao BTS rồi xuống tàu điện ngầm MRT, tôi dừng chân ở trạm Bang Sue. Đây là nơi Thái Lan đang xây dựng nhà ga xe lửa lớn nhất Đông Nam Á dự kiến đưa vào sử dụng từ quý III với diện tích gần 300.000 m2. Ga Bang Sue sẽ thay thế ga Bangkok hiện tại đã hoạt động từ năm 1916.

{keywords}
Trạm dừng Bang Sue hiện tại và nhà ga xe lửa lớn nhất Đông Nam Á đang được hoàn thiện phía sau.

Trong khi nhà ga mới hiện đại chưa được khai thác, ga Bang Sue hiện tại chỉ là một trạm dừng chân nhỏ nằm ngay cạnh hệ thống đường ray.

Giá vé tàu lửa từ Bang Sue đến Don Mueang chỉ vỏn vẹn 20 bath cho hành trình dài khoảng 16km. Chuyến tàu của tôi có số hiệu 109, từ Bangkok đi Chiang Mai. Đoàn tàu rất cũ kỹ, không có hệ thống điều hòa mà chỉ sử dụng quạt. Không khí nóng bức khiến mọi cửa sổ của tàu đều được mở để lấy thêm gió.

Trong toa tàu của tôi, các dãy ghế được xếp quay mặt vào nhau với tối đa 5 hành khách mỗi hàng. Phần lớp sơn bên trong bị bong tróc nhiều mảng. Dù trên vé có ghi số ghế, tôi không thể tìm được số ghế trên toa và ngồi vào vị trí trống bất kỳ.

Trạm Don Mueang chỉ cách Bang Sue 16 km nhưng chuyến tàu 109 chạy mất 30 phút và dừng thêm ở 3 trạm khác. Mỗi khi tàu dừng lại, những người bán nước, đồ ăn lại lên toa mời hành khách mua hàng, tương tự như ở Việt Nam.

Chỉ di chuyển vài chục km, đoàn tàu cũ kỹ với ít tiện nghi vẫn làm tôi cảm thấy hài lòng nhờ giá vé rẻ so với giá cước taxi vài trăm bath. Tuy nhiên, với những người đến ga cuối ở Chiang Mai, hành trình hơn 14 tiếng trên những toa tàu cũ như vậy chắc hẳn sẽ khiến họ khó cảm thấy thoải mái.

{keywords}
Đoàn tàu 109 xuất phát từ Bangkok đi Chiang Mai và dừng ở ga Don Mueang.

Trạm dừng Don Mueang của hệ thống đường sắt Bangkok nằm ngay đối diện sân bay và kết nối vào bên trong khu vực ga đi bằng một cây cầu vượt giúp việc di chuyển của hành khách rất thuận tiện.

Không mất nhiều thời gian chờ đợi cho việc làm thủ tục check-in và xuất cảnh, chỉ hơn 10 phút sau khi đến Don Mueang, tôi đã có mặt ở cửa ra máy bay của mình. Khu vực đông đúc duy nhất bên trong sân bay là quầy hoàn thuế nơi các tín đồ mua sắm xếp hàng dài.

Chuyến bay về Việt Nam của tôi khởi hành đúng giờ và hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng vào lúc 18h30.

Trải qua 48 giờ về quê ăn Tết với hành trình cổ vũ U23 Việt Nam, việc ăn ở, đi lại và vé xem bóng đá của tôi tại Bangkok tiêu tốn tổng cộng hơn 2 triệu đồng.

Với giá vé máy bay tương đương bay thẳng từ TP.HCM về Đà Nẵng, khoản chi phí cộng thêm này với tôi là hợp lý vì con số bỏ ra nếu từ TP.HCM ra Hà Nội xem một trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại sân vận động Mỹ Đình có thể cũng không thấp hơn là bao.

(Theo Zing)