Tôi nhớ có lần phải ở trong rừng nhiều tháng, vì thế mà sử dụng thuốc để tránh có kỳ kinh nguyệt cũng không có tác dụng. Tôi phải đào hố và tìm cách đốt những băng vệ sinh đã sử dụng.
LTS: Bảo tồn động vật hoang dã là công việc vất vả ngay cả với những người đàn ông sức dài vai rộng. Vì thế mà những người phụ nữ chọn công việc này thường bị nhìn với ánh mắt ngờ vực, thiếu thiện cảm.
Chia sẻ của nhà bảo tồn trẻ Nguyễn Trang, người sáng lập tổ chức phi chính phủ hành động vì động vật hoang dã WildAct, sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về công việc và nỗi lòng của những người phụ nữ làm bảo tồn.
Kỳ 1: Bí mật chưa từng tiết lộ của phụ nữ trẻ "đi rừng"
"Thường tôi không thích đốt rác trong rừng, mà sẽ cố gắng xách theo một cái túi, rồi để tất cả rác thải trong đó và mang về phố để vứt rác, nhất là rác thải nhựa hay đồ hộp. Nhưng với trường hợp này, tôi buộc phải làm thế.
Đối với tôi, vệ sinh sạch sẽ và ô nhiễm quan trọng hơn là sự xấu hổ, những cái nhăn mặt, tiếng xì xào tỏ vẻ kinh tởm của cánh đàn ông cùng tham gia đi thực địa, khi họ phát hiện ra tôi đang đốt cái gì.
"Tôi nhớ có lần phải ở trong rừng nhiều tháng, vì thế mà sử dụng thuốc để tránh có kỳ kinh nguyệt cũng không có tác dụng. Tôi phải đào hố và tìm cách đốt những băng vệ sinh đã sử dụng" |
Vì sao? Bởi vì không một ai trong số đàn ông biết đến cái gọi là kỳ hàng tháng, họ không phải giấu giấu giếm giếm đốt đồ vệ sinh đã qua sử dụng, cũng không phải chật vật tìm cách giữ mình sạch sẽ trong những ngày ấy, trong điều kiện vệ sinh thiếu thốn, điện nước không có sẵn.
Bởi vì họ là đàn ông, họ cho phép mình được nói những câu lả lơi bông đùa, ngay cả với đồng nghiệp nữ của họ. Bởi vì là con gái, thì phải tự biết giữ mình. Có đang ở giữa rừng, có chuyện gì xảy ra thì "chẳng ai biết".
Bởi vì là con gái, nên có những lúc phải làm việc với đội kiểm lâm ở trạm, ở xã, khi có tiệc tùng thì buộc phải biết cách uống rượu, phải biết uống, và phải biết không say, để có thể tự bảo vệ bản thân.
Bởi vì là con gái, nên nhiều khi các sếp kiểm lâm bằng tuổi chú, tuổi bác, lè nhè bắt gọi bằng anh. Vì cái ngành này, con gái hiếm lắm. Con gái đi rừng lại càng hiếm.
Cũng có lần khi ở Kenya, bọn khỉ đầu chó bỏ chạy với chiếc áo ngực của tôi như một chiến lợi phẩm. Trợ lý và kiểm lâm ở cùng tôi đợt đó cố nhịn cười, họ không biết nên cười to thành tiếng hay nên cảm thấy xấu hổ, vì thế mà cuối cùng chỉ vang ra tiếng ư ư kỳ quặc. Tôi thì không quan tâm lắm, tôi nghĩ nếu đám khỉ này chọn trộm quần lót của họ thì tôi cũng sẽ thấy rất buồn cười.
Tôi thích ở trong rừng. Vì rừng và động vật không phân biệt đối xử giữa phụ nữ và đàn ông. Mặc dù theo lịch sử, thì rừng vẫn được khám phá bởi nhiều người đàn ông hơn là phụ nữ.
Những tán cây ở trên đầu, những loài động vật, những âm thanh, những cơn gió....tất cả chúng đều không quan tâm bạn là nam hay nữ. Chúng sẽ không cười vào mặt bạn mà nói rằng "phụ nữ thì biết cái gì".
“Nữ quyền, là quyền được tôn trọng, cho dù chúng tôi ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào” – Nguyễn Trang. |
Những điều mà tôi vừa kể trên thể hiện sự bất bình đằng giới, và tôi tin rằng nó không chỉ xuất hiện trong ngành của tôi, mà còn xuất hiện ở nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là những ngành có nhiều nam giới. Sự bất bình đẳng giới này thể hiện qua lời nói và hành động của nhiều người, đôi khi là của cả nam lẫn nữ.
Tôi hi vọng, khi đọc bài viết này, các bạn nữ làm cùng ngành với tôi có thể nhận thấy mình qua câu chuyện, các bạn sẽ cảm thấy được an ủi, cảm thấy được động viên và cố gắng nhiều hơn nữa, bởi các bạn không chỉ có một mình.
Tôi cũng hi vọng rằng, các bạn sẽ dũng cảm tỏ rõ thái độ không bằng lòng khi những chuyện đó xảy ra, không chỉ để tự bảo vệ các bạn, mà còn ngăn cả những chuyện tương tự xảy ra trong tương lai cho các bạn nữ khác nữa.
Tôi cũng hiểu rằng đôi khi những người làm cùng ngành tôi là nam giới không để ý, và không hiểu hết được những khó khăn mà giới nữ gặp phải khi làm ngành này.
Không chỉ là những khó khăn do thể chất, phải đi đường xa, leo núi, leo đồi, phải mang vác đồ nặng, mà còn là những ảnh hưởng tâm lý khi đến một khu vực xa xôi, hẻo lánh, làm việc và vào rừng sâu với một nhóm người đều là đàn ông.
Tôi hi vọng, nếu các bạn nam đọc được bài viết này, các bạn sẽ hiểu và thông cảm hơn với đồng nghiệp nữ của mình. Sẽ sẵn sàng đứng ra giúp đỡ, động viên và bảo vệ các bạn ấy khi cần, đặc biệt là trong môi trường làm việc ngoài hoang dã, khi thực sự phải nói rằng, việc là nữ giới duy nhất đi vào rừng cùng đàn ông quả thật là một việc rất căng thẳng, khi bị buộc phải uống rượu cùng kiểm lâm, hay bị trêu đùa đều khiến nữ giới chúng tôi căng thẳng và lo lắng hơn.
Đôi khi tất cả những gì các bạn có thể làm, là một câu động viên, một câu nói đỡ để chúng tôi không phải uống rượu, thế là đủ rồi.
Tôi cũng nói thêm, đây là việc không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà còn ở rất nhiều nơi khác. Những việc tương tự tôi đều đã gặp khi làm việc ở nước ngoài. Những việc tương tự cũng đã từng xảy ra cho đồng nghiệp của tôi ở những nước khác nhau.
Đó là sự bất bình đẳng giới ăn sâu vào tiềm thức, và cần được thay đổi. Nữ quyền, là quyền được tôn trọng, cho dù chúng tôi ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Nguyễn Trang
Nguyễn Trang sinh năm 1990, tham gia công tác bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam từ năm 15 tuổi. Hiện cô đang làm tiến sĩ về tình trạng sử dụng và buôn bán động - thực vật hoang dã trái phép ở Nam Phi. |