Đời sống văn hoá, ẩm thực đa dạng, phong phú

Đắk Lắk nằm ở trung tâm Tây Nguyên, nơi hội tụ các sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc tại chỗ như Ê Đê, M'Nông, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Chăm, Lào Khmer, cùng với sự di cư từ lâu đời của các dân tộc phía Bắc như Tày, Nùng, Mông, Thái, Kinh... đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về đời sống văn hoá, ẩm thực.

Đắk Lắk cũng là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát triển văn hoá truyền thống của các dân tộc Ê Đê, M'Nông, Gia Rai với những lễ hội truyền thống, trong đó có “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Những giá trị văn hóa tinh thần ở Đắk Lắk còn được thể hiện phong phú như kinh nghiệm thuần dưỡng voi, chế tạo ra đàn đá và cồng chiêng; tượng nhà mồ của các dân tộc Gia Rai, Bana, Ê-đê, M’nông; kỹ thuật trang trí dệt nên những hoa văn của trang phục các dân tộc, những pho sử thi đồ sộ và giá trị như sử thi Đam San, Đăm Noi, Xing Nhã.

W-anhtaynguyen.png
Đắk Lắk nằm ở trung tâm Tây Nguyên, là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc tại chỗ như Ê Đê, M'Nông, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng,...

Các giá trị tinh thần còn đọng lại sâu sắc trong các tục lệ của người Êđê, của người M’nông, Gia Rai, Ba-na,… qua các ứng xử trong cộng đồng, qua việc ăn, ở, mặc, giải trí; trong việc cưới, tang, lễ nghi, tín ngưỡng… Đây cũng là những điểm nhấn trong văn hoá Đắk Lắk để phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hoá.

Đắk Lắk còn có cảnh quan đẹp, đa dạng của địa hình đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng cùng hệ thống thác ghềnh hùng vĩ như: Thác Dray Nur, Dray Sáp Thượng, Thuỷ Tiên, Bìm Bịp, Dray K’nao, Drai Yông, Drai Dlông,… những hồ chứa nước lớn cùng một hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng của Vườn quốc gia Yok Don, Vườn quốc gia Chư Yang Sin, Rừng Lịch sử Văn hóa Môi trường hồ Lắk, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Rừng đặc dụng Nam Ka, gắn với các dòng tsông Sêrêpôk, Krông Ana, Krông Bông…

Mô hình sản phẩm "du lịch thân thiện với voi" ở Đắk Lắk

Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể nổi tiếng như các loại nhạc cụ cồng chiêng, đàn đá, tre nứa, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt thổ cẩm, tạc tượng, nơi đây còn là vùng đất của những lễ hội đặc trưng được du khách trong và ngoài nước biết đến như Hội voi, Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ bỏ mả… Trong hai năm gần đây, Đắk Lắk bắt đầu thực hiện mô hình sản phẩm "du lịch thân thiện với voi".

Đặc biệt, Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia được tổ chức 2 năm 1 lần.

Mỗi huyện, thị xã và buôn làng đều sở hữu nét đặc sắc trong văn hoá, từ âm nhạc, cồng chiêng đến các nhạc cụ tre nứa, đàn đá đều rất đặc trưng. Yếu tố đa văn hoá của các dân tộc cùng sống trên một địa bàn, thôn buôn, làng xã cũng góp phần tăng thêm sự đặc trưng ấy. Có nhiều đội chiêng Ê đê, M’Nông, Mường đã được duy trì và tập luyện và đi biểu diễn rất nhiều nơi. Thậm chí tại một số nơi, tại một số lễ hội truyền thống, nhiều bài chiêng, nhạc cụ vang lên xen kẽ nhau rất thú vị.

Nhiều lễ cúng được tái hiện không chỉ trong Lễ hội truyền thống mà còn được giới thiệu đến du khách trong các chương trình du lịch như tái hiện lễ cúng kết nghĩa anh em, lễ cúng sức khoẻ,… Không chỉ có các nghệ nhân lớn tuổi mà hiện nay đã có các bạn trẻ tuổi kể khan (sử thi) tại các nhà dài truyền thống hay hát ayray trong các sự kiện đón khách tạo nên điểm nhấn văn hoá ở Đắk Lắk.

Có thể khẳng định rằng, văn hoá và du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển. Văn hoá là nền tảng để phát triển du lịch và góp phần tạo nguồn thu cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, đặc biệt là văn hoá bản địa. Chính vì thế, du lịch văn hoá ở Đắk Lắklà một loại hình du lịch phổ biến và được khách du lịch ưa thích với mục đích khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị văn hoá khác biệt, nhất là văn hoá Tây Nguyên.

Lê Thúy và nhóm PV, BTV