Huyện miền núi Bắc Hà (Lào Cai) - nơi sinh sống của phần lớn bà con các dân tộc thiếu số gồm: H'Mông, Tày, Nùng, Phù Lá... nổi tiếng là thủ phủ của cây chè shan tuyết - sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh. Với chất lượng vượt trội, độ sạch hiếm có, việc phát triển cây chè Shan tuyết đã giúp bà con dân tộc thiểu số vùng cao Bắc Hà thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất vùng cao này…

W-anhminhoa-2.png
Ảnh minh hoạ

Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Lào Cai về “Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; phát huy lợi thế vùng, 2 tháng đầu năm 2023, UBND huyện Bắc Hà chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và chính quyền các xã đôn đốc, hướng dẫn Nhân dân tiếp tục chăm sóc và bảo vệ diện tích chè hiện có, đồng thời thực hiện triển khai trồng mới năm 2023 được 51 ha/215 ha, đạt 23,7% kế hoạch và trồng dặm các diện tích bị mất khoảng đảm bảo đúng mật độ.

Toàn huyện Bắc Hà hiện có 950ha, trong đó 696,94ha chè shan tuyết hữu cơ. Đây là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài và sản phẩm “Chè Shan hữu cơ Bắc Hà” là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên và duy nhất của tỉnh Lào Cai đến thời điểm hiện nay.

Vùng sản xuất chè hữu cơ trên địa bàn huyện Bắc Hà đã tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho trên 300 hộ với hơn 1.500 người, tại 4 thôn người Tày của xã Bản Liền. Tuy giá trị thu hoạch chưa cao bằng cây trồng khác (như quế), nhưng có tác động tới số đông người sản xuất, được coi là chuỗi sản xuất hàng hóa hoàn chỉnh, tiêu biểu, bền vững, gắn kết mật thiết giữa người nông dân với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ từ năm 2004 đến nay. Là giống chè mọc tự nhiên, được chăm sóc hoàn toàn hữu cơ, chè Shan tuyết đã và đang trở thành đặc sản mang lại nguồn thu cho nhiều hộ dân tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại thông qua các công đoạn chăm sóc, thu hoạch và sản xuất chè được địa phương đẩy mạnh, trở thành bản sắc và tạo sức hút riêng đối với mỗi du khách khi ghé thăm Bắc Hà.

Dự kiến huyện Bắc Hà sẽ mở rộng vùng sản xuất chè đến năm 2025 đạt 1.500ha, tăng 803ha so năm 2022; đồng thời thực hiện cải tạo, thay thế diện tích chè già cỗi, trồng bổ sung đảm bảo mật độ, tập trung thâm canh tăng năng suất chè kinh doanh, đặc biệt mở rộng vùng canh tác chè Shan tuyết hữu cơ lên đạt 1.500ha tại 02 xã Bản Liền và Tả Củ Tỷ. Chú trọng bảo tồn diện tích chè Shan tuyết cổ thụ gắn với phát triển du lịch tại xã Hoàng Thu Phố.

Để bảo tồn và phát huy giá trị cây chè, nâng cao đời sống người trồng chè ở địa phương, lãnh đạo huyện Bắc Hà đề nghị cấp ủy, chính quyền xã Hoàng Thu Phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Phương án số 05/PA-UBND ngày 16/5/2023 của UBND huyện Bắc Hà về bảo tồn, phát triển các vườn chè Shan cổ thụ trên địa bàn huyện, trong đó đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn kỹ thuật, bố trí, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ cho người dân trong bảo tồn, chăm sóc chè cổ thụ theo đúng quy trình kỹ thuật.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm chè cổ thụ Bắc Hà gắn với phát triển sản phẩm OCOP, phát triển du lịch trải nghiệm; chú trọng thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết với các hộ dân để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè; chủ động nhân giống cây để tăng diện tích, số lượng cây chè và đầu tư các điều kiện cần thiết để phát triển du lịch gắn với trải nghiệm vùng chè cổ thụ, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân.

Diệu Bình và nhóm PV, BTV