Đón sóng FDI
Trong nhiều năm qua, Thái Nguyên là địa chỉ đỏ thu hút nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Riêng trong năm 2021, Thái Nguyên đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 27 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn trên 1 tỷ USD nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực tại Thái Nguyên lên 170 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 9,67 tỷ USD. Ngoài ra còn 35 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 6.377 tỷ đồng nâng tổng số dự án đầu tư trong nước lên 800, với số vốn đăng ký trên 143 nghìn tỷ đồng.
7 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư FDI vào Thái Nguyên đạt 1,02 tỷ USD, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến 20/7/2022, Thái Nguyên có 198 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt hơn 10 tỷ USD, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước.
Nổi bật trong các dự án có nguồn vốn FDI lớn là dự án Nhà máy điện tử Samsung - Thái Nguyên của Tập đoàn Samsung Electronic (Hàn Quốc). Đầu năm 2022, Tập đoàn Samsung đã quyết định chi thêm 920 triệu USD nâng tổng vốn đầu tư từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên.
Một số dự án được cấp phép đầu tư mới có số vốn đăng ký đầu tư lớn vào Thái Nguyên còn phải kể đến: dự án Dowooinsys tại Khu công nghiệp Sông Công II với số vốn 30 triệu USD, dự án Nhà máy Sunny Infared Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình với 9,5 triệu USD, dự án Trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp Điềm Thụy 520 tỷ đồng…
Những kết quả vượt bậc trong thu hút đầu tư FDI đã tạo động lực để tỉnh Thái Nguyên duy trì đà tăng trưởng, vượt qua những khó khăn do tác động của đại dịch. Năm 2021, Thái Nguyên vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,51%, cao gấp hơn 2 lần bình quân của cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD… Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh ước đạt 7,08%; giá trị xuất khẩu ước đạt 17,2 tỷ USD, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 9.528,3 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ...
“Trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư
Nếu như cuối năm 2010, Thái Nguyên đứng ở vị trí 45/63 tỉnh, thành phố thu hút FDI trong cả nước, thì đến nay tỉnh đã vươn lên lọt top đầu cả nước.
Một trong những “chìa khoá” thu hút dòng vốn FDI tại Thái Nguyên là do tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư của tỉnh, trong đó trọng tâm là hạ tầng về giao thông, các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội quanh các khu công nghiệp.
Thái Nguyên đầu tư mạnh mẽ về giao thông với các tuyến đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, đường Thái Nguyên-Chợ Mới, đường Bắc Sơn kéo dài, đường Việt Bắc…; xây mới, nâng cấp các tuyến đường từ thành phố đến các huyện…góp phần tạo nên kết nối thông suốt, mở đường cho các nhà đầu tư.
Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha.
Hầu hết KCN của Thái Nguyên nằm ở các địa phương phía nam của tỉnh (TP. Sông Công, TP. Phổ Yên, huyện Phú Bình), có vị trí giao thương thuận lợi do gần tuyến Quốc lộ 3 cũ, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên kết nối đi các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), cảng Hải Phòng... Cùng với đó, hạ tầng trong các KCN được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Thái Nguyên tập trung thực hiện các chính sách ưu đãi, cởi mở, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, chuyển đổi số; thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, đồng thời chủ động nắm bắt, giải quyết những khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư.
Với việc đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số quản lý hành chính công, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng, hấp dẫn. Khảo sát chỉ số PCI cho thấy, Chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh Thái Nguyên tăng liên tục từ năm 2016 đến nay, trong khi nhóm các chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự kinh doanh thuộc top đầu cả nước. Trên Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Thái Nguyên đứng ở top khá toàn quốc. Chỉ số cải cách hành chính PAR index năm 2021, Thái Nguyên ở vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bên cạnh việc tập trung xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, với sự thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, Thái Nguyên đặt mục tiêu thu hút các tập đoàn lớn có năng lực tài chính, thương hiệu, sức lan tỏa mạnh và bảo vệ môi trường cho người dân.
Ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên luôn khẳng định: Tỉnh cam kết khi các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi tốt nhất của Nhà nước Việt Nam về thu hút đầu tư, cũng như các cơ chế hỗ trợ riêng của tỉnh Thái Nguyên đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, sử dụng nguồn lao động nhiều, sử dụng đất đai hợp lý, bảo vệ môi trường hài hòa, tăng trưởng ổn định, bền vững.
Thái Nguyên đặt mục tiêu bảo đảm tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 8% trở lên. Tỉnh đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, triển khai hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp; chủ trương mở cửa nền kinh tế trên cơ sở nhất quán các quy định về lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất an toàn, duy trì hoạt động liên tục, ổn định. |
N.M