Nhìn lại việc bầu Đức đầu tư cho lứa cầu thủ U19, thấy rõ một điều là đổi mới GD cần phải thật bài bản, căn cơ từ lúc bắt đầu.

Học đến mắt cận, xương vẹo...

Nếu nhìn vào điểm số trên học bạ của học sinh nhiều trường tiểu học hiện nay ở Hà Nội, sẽ thấy ngay cả GS Ngô Bảo Châu ngày xưa chắc cũng không thể giỏi như thế. Vậy mà nước ta mới chỉ có một Ngô Bảo Châu, còn những em học sinh kia vừa lên THCS thì gần như ngày nào cũng vi phạm luật giao thông ngay tại cổng trường.

"Tớ học bên này nhàn lắm, vì chưa học đến phép nhân mà cũng chưa học phép chia. Bài học dễ lắm mà các bạn Tây cũng không biết. Ví dụ nhé, 200 - 9 mà các bạn ấy cứ ghi kết quả là 101. Mọi việc đơn giản vậy thôi". Đó là một phần bức thư mà một học sinh học lớp ba ở một trường tiểu học Việt Nam vừa chuyển sang Vương quốc Bỉ học viết cho các bạn cùng lớp.

Cũng không ít ông bố bà mẹ độ tuổi 7X, 8X  khi có dịp ngồi với nhau lại thốt lên: "Ngày xưa mình học dễ thế,  thời cấp một, cấp hai đi chơi suốt, giờ ra làm việc cũng có kém cỏi gì đâu. Trong khi bọn trẻ ngày nay khổ thế, học bán trú cả ngày, khi về chưa kịp ăn uống đã lao đi học thêm, học thêm suốt cả những ngày cuối tuần. Chẳng biết học thế để sau này làm gì..."

Làm gì thì chưa biết, nhưng "khổ" thì đã có những con số thống kê rõ ràng. Đó là tỷ lệ trẻ em mắt cận, xương sống vẹo, giống như gà tồ, như một chương trình hài miêu tả "nhiều em cứ giống như dở hơi, trong lớp ngồi đánh răng" ngày càng gia tăng...

Nói vậy, nhưng những bậc phụ huynh kia dù đầu óc cách tân đến mấy, trừ một số ít có điều kiện cho con học trường tây ngay trong nước, thì đại đa số vẫn phải "cắm mặt" đưa con đi học thêm mỗi tối ngày thường và gần như suốt hai ngày nghỉ, nếu con em họ học các trường trong nước. Mà thật kỳ lạ, chẳng biết lớp một, lớp hai thì người ta dạy gì thêm cái gì?

Có dịp trò chuyện với nhiều bậc phụ huynh mới thấy, không phải ai từ khi con mới học tiểu học, cũng đã muốn chúng thành thiên tài hay phải đỗ đại học A, B danh tiếng nào đó. Vậy họ muốn cái gì? Thật vô cùng trớ trêu, câu trả lời lại vô cùng đơn giản và dễ thông cảm: cắn răng như vậy để con em mình... bình thường như những học sinh khác.

Bình thường là thế nào? Là một lớp tiểu học hiện nay ở thành phố trung bình có 60 học sinh, nếu số học sinh giỏi không là 55 em thì có nghĩa là cả 60 em đều giỏi. Với một tỷ lệ giỏi gần như tuyệt đối như vậy, nhưng những  em không đi học thêm có xuất sắc đến mấy cũng khó mà đạt được danh hiệu học sinh giỏi trong cả 5 năm tiểu học. Trong khi đó, tiêu chuẩn để được dự thi vào những trường THCS cả quốc lập lẫn tư thục nếu thuộc loại có tiếng một chút lại ghi rõ: ít nhất phải có bốn năm đạt học sinh giỏi trở lên.

{keywords}
Các em học sinh lớp 1 tựu trường

Đổi mới GD từ câu chuyện bầu Đức

Học, học, học... học đến nỗi trẻ em chẳng còn thời gian mà làm việc gì khác. Học khó, học nhiều như vậy nếu như đất nước có khoảng vài chục Ngô Bảo Châu chẳng hạn thì cũng ra một nhẽ. Đằng này... Học đến mức học sinh không còn thời gian để trang bị những kỹ năng sống tối thiểu như ngồi ăn, cầm bát, cầm đũa cho đúng tư thế, chứ chưa nói đến biết chơi thể thao, biết thưởng thức nghệ thuật... Học nhiều vậy, nhưng bất kỳ lúc nào cũng có thể nhìn thấy cả đoàn học sinh vi phạm luật giao thông ngay tại cổng trường mỗi khi tan học...

Thực ra, câu chuyện Tây học rất dễ, đơn giản nhưng nhân lực của họ lại tốt và ta học cực khó, đua nhau học nhưng khi được tuyển dụng lại phải đào tạo lại chẳng có gì mới mẻ, nó là chuyện đương nhiên đối với cả xã hội cũng như ngành giáo dục từ hai, ba thập kỷ qua.

Điều đáng nói là tình trạng này trong tương lai gần chắc cũng chưa có giải pháp gì khả thi, ngay cả khi ngành giáo dục đang dốc lực bước vào "trận đánh lớn" sau nghị quyết Trung ương 8. Bởi lẽ, nhiệm vụ trọng tâm được hướng đến lại là đổi mới đánh giá thi cử, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.

Dễ nhận thấy, chọn điểm này để đổi mới là dễ gây đình đám nhất, dễ nhìn thấy nhất và cũng... dễ hơn cả.  Nhưng điều đó lại chưa phải là cái gốc của giáo dục.

Một câu chuyện cũ, ngay khi làm xong tiến sĩ từ nước ngoài về, GS Hồ Ngọc Đại - con rể Tổng Bí thư Lê Duẩn khi ấy - được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp. Khi được Thủ tướng hỏi nguyện vọng, ông Đại đã nói rằng xin được đi dạy cấp một. Vâng, cấp một - chứ không phải cấp ba hay đại học - trong khi một người như ông Hồ Ngọc Đại thừa sức dạy ở bất kỳ trường nào, hoặc thậm chí làm cán bộ quản lý cấp cao.

Từ chuyện giáo dục, nhìn lại việc bầu Đức đầu tư cho lứa cầu thủ U 19 đạt được ít nhiều thành công thời gian qua, thấy rõ một điều là cần phải thật bài bản, căn cơ từ lúc bắt đầu. Cầu thủ ban đầu cần phải được dạy từ việc không nói bậy, không thói hư tật xấu, chứ không phải những kỹ thuật, chiến thuật cao siêu. Điều làm ông Đoàn Nguyên Đức hài lòng nhất chính là nhiều cầu thủ ở đây chưa từng biết nói bậy, chứ chưa phải thành tích của họ trên sân cỏ.

Nếu nhìn nhận như vậy, thì việc tập trung tối đa nhân lực, vật lực để cải cách bậc tiểu học mới thực sự là cấp bách. Nội dung có lẽ chỉ cần xoay quanh vài việc như dạy trẻ các tự phục vụ với những kỹ năng cơ bản, sự lễ phép, đọc thông, viết thạo, làm những phép tính đơn giản... Tiếc rằng, điều này chưa được Bộ GD-ĐT đặt ra một cách đúng mức trong "trận đánh lớn" lần này.

Khôi Nguyên

Bài cùng tác giả:

Đừng vội chê ngả nón xin tiền

Cần phải nói rõ, không ai thích hay cổ vũ cho việc "ngả nón xin tiền". Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cũng còn nhiều điều phải nhìn nhận kỹ về hiện tượng này.