Theo lộ trình đến ngày 31/12/2016, UBND tỉnh Bình Định phải chấm dứt hoạt động đối với các lò nung thủ công trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn huyện Tây Sơn vẫn còn hàng chục lò gạch, ngói đất sét nung thủ công lén lút hoạt động.

Vẫn còn 62 lò sản xuất gạch thủ công đang hoạt động

Hơn 10 năm về trước, tỉnh Bình Định đã có chủ trương xóa sạch lò gạch thủ công, tuy nhiên sau nhiều nỗ lực các địa phương vẫn chưa thể xóa hết các lò gạch thủ công. Tình trạng lò gạch thủ công hoạt động bát nháo xen lẫn trong một số cụm công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất an toàn cho người lao động…

Ghi nhận những ngày đầu tháng 7, tại cụm công nghiệp Hóc Bợm - Bình Nghi vẫn còn tồn tại hàng chục cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét thủ công. Các cơ sở này được dựng bằng những trụ gỗ, mái ngói đơn sơ, nhiều cơ sở đã xập xệ gần đổ. Bên trong những cơ sở này, gạch ngói chưa nung vẫn còn đang xếp hàng dài. Các lò nung vẫn liên tục đỏ lửa, khói đen vẫn bay nghi ngút lên trời.

Hàng loạt lò gạch thủ công vẫn nằm xen kẽ trong cụm công nghiệp Hóc Bợm - Bình Nghi

Ông Văn Ngọc Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi cho biết, theo thống kê năm 2013 trên địa bàn xã Bình Nghi có 474 cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung thủ công. Sau khi thực hiện các biện pháp chấm dứt hoạt động sản xuất thì đến nay trên địa bàn xã Bình Nghi còn 62 lò sản xuất gạch, ngói đất sét nung thủ công đang hoạt động.

Trong đó có 54 lò nằm trong Cụm công nghiệp Hóc Bợm - Bình Nghi và 8 lò tại thôn 1, xã Bình Nghi (ngoài cụm công nghiệp). Trong số 62 lò này thì có khoảng 34 cơ sở hoạt động, những lò còn lại hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng để đợi sản xuất lại khi gặp thời. Các cơ sở này hiện nay đều không có giấy phép hoạt động.

Theo ông Quế, thời gian qua, UBND xã Bình Nghi cũng đã thành lập các tổ công tác xác định khối lượng đất các lò còn lại; làm việc với các cơ sở, phương tiện mua đất trôi nổi trên địa bàn cam kết không cung cấp cho các lò thủ công; lắp các hệ thống camera và các biển ra vào cụm công nghiệp để có biện pháp ngăn chặn việc cung cấp đất cho các lò thủ công…Tuy nhiên, những lò gạch thủ công vẫn hoạt động.

Trong các lò gạch này vẫn còn rất nhiều gạch, ngói chưa nung

Lý do đến nay vẫn không thể xóa hết lò gạch thủ công, theo ông Quế, căn cứ thời gian chấm dứt hoạt động đối với các lò nằm trong cụm công nghiệp từ năm 2016 tuy nhiên qua quá trình vận động tuyên truyền thì đến giờ vẫn không xác lập được hồ sơ để cưỡng chế cho nên các lò vẫn tiếp tục tồn tại.

Tại cụm công nghiệp Hóc Bợm - Bình Nghi vẫn còn tình trạng xe công nông chở nước bán cho các lò gạch tại đây. Chủ cơ sở sản xuất gạch, ngói nung đất sét thủ công cho biết, với mỗi 1.000 lít nước sẽ được bán với giá 60 ngàn. Việc mua nước này chỉ là hoạt động lén lút để tưới đất sét làm gạch, đa phần vì quen biết nên chủ xe mới chở bởi chính quyền địa phương đã cấm.

Một chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công phân trần, xã cắt điện từ 3 năm trước và cấm nước từ tháng 6 năm nay. Nhưng do còn hàng tồn nên phải mua nước từ thôn, xã khác chở tới và mua máy nổ để phát điện để làm lén lút. Vì nếu để đất sét khô lâu quá thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gạch.

Khó xóa sổ các lò gạch thủ công?

Không chỉ ở xã Bình Nghi, hiện nay trên địa bàn xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn) cũng còn 8 cơ sở gạch ngói đất sét nung thủ công hoạt động.

Khói phủ lên mù mịt khi các lò sản xuất gạch nung hoạt động.

Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, UBND huyện Tây Sơn thực hiện nhiều biện pháp để chấm dứt hoạt động của các cơ sở trên. Đồng thời lắp đặt camera để quản lý việc các xe chở cung cấp nguyên vật liệu cho các lò hoạt động.

Theo ông Hùng, việc xoá bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Tây Sơn gặp khó khăn, do đây là nghề duy trì cuộc sống của người dân. Lượng lao động tham gia vào sản xuất gạch ngói thủ công chủ yếu là lao động lớn tuổi, không thể chuyển sang nghề khác...

“Do vậy, khi kiểm tra bà con hứa chấp hành nhưng sau đó người dân vẫn tái sản xuất lén lút”, ông Hùng nói.

Xe công nông chở nước bán cho các lò gạch tại đây (ghi nhận vào chiều 6/7)
Nước sau khi được chở tới sẽ được bơm vào bể chứa.

Để giải quyết triệt để, trong thời gian tới, UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo các phòng chuyên môn tiếp tục làm quyết liệt theo chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh: Phải chấm dứt hoạt động của lò gạch ngói thủ công trên địa bàn huyện trong năm 2023.

Ông Văn Ngọc Quế cho hay, trong thời gian tới xã sẽ tăng cường công tác kiểm tra, quản lý mua bán đất sét trôi nổi; song song với đó thì tiến hành làm công tác đền bù khi có dự án vào, tuyên truyền vận động để bà con chấp hành nhận tiền đền bù để chấm dứt hoạt động.

Diễm Phúc