– Với đạo diễn Trần Lực, những rung động đầu đời của tuổi học trò là sự thay đổi tâm lý hết sức bình thường. Vì vậy cha mẹ cần có những phương pháp giáo dục tích cực để tác động vào nhận thức thay vì cấm đoán con trẻ.

Trong chương trình truyền hình mới đây, đạo diễn – NSƯT Trần Lực đã có những chia sẻ thú vị về mối tình đầu thuở còn nhỏ cùng những suy nghĩ mang tính hiện đại với vai trò một vị phụ huynh về tình yêu tuổi học trò của con cái.

Giống như nhiều thế hệ học trò khác, thời còn cắp sách đến trường của đạo diễn Trần Lực cũng gắn liền với những mối tình ngây thơ, trong sáng. Nhưng ấn tượng nhất với anh có lẽ là mối tình đầu khi còn rất nhỏ. Dù nhiều năm đã qua đi, đạo diễn Trần Lực vẫn ghi nhớ rõ và luôn dành cho kỷ niệm đầu đời này một tình cảm đặc biệt.

{keywords}
Đạo diễn Trần Lực.

Đạo diễn chia sẻ: “Tôi cũng có những tình yêu tuổi học trò của tôi. Hồi đó tôi mới 6 tuổi thôi, nhưng cho tới tận bây giờ tôi vẫn không thể quên được khuôn mặt bầu bĩnh của một bạn gái học cùng lớp. Giọng nói của bạn cực kỳ dễ thương, cái thời ấy tôi cứ mê mẩn bạn ấy mãi thôi. Tôi nhớ mãi rằng cứ ra chơi là tôi lại đứng ở cửa lớp, bạn ấy làm gì là tôi lại đi theo nhòm bạn ấy, đến mức bạn ấy phát ghét, rồi đuổi đi…

Kỷ niệm ấy ở lại trong tôi cho đến tận bây giờ. Có thể nói đó là mối tình đầu, yêu thật sự. Nhưng tôi không dám tìm lại dù biết rõ ngày xưa nhà bạn ấy ở đâu.”

Cũng trong chương trình, đạo diễn, NSƯT Trần Lực cũng bày tỏ những quan điểm và suy nghĩ rất hiện đại đối với chuyện tình cảm của con cái ở tuổi niên thiếu. Anh cho rằng, với tâm lý của con trẻ là càng cấm càng làm, thì phụ huynh cần có cách giáo dục, khuyên bảo, đặc biệt về vấn đề giới tính.

Trên cương vị là một phụ huynh, đạo diễn Trần Lực cũng dành cho những người làm bố, làm mẹ nhiều lời khuyên. Gia đình đóng một vai trò vô cùng trong việc giáo dục cho trẻ. Bố mẹ không nên cứng nhắc, ép buộc con trong chuyện tình cảm, mà thay vào đó cần phải định hướng, bảo ban trên tình thần sẻ chia, lắng nghe và đồng cảm.

Bên cạnh đó, đối với những hoàn cảnh, trường hợp cụ thể, với những trẻ có tính cách, khả năng nhìn nhận vấn đề khác nhau, các bậc làm cha mẹ cũng cần có những phương thức kiểm soát con riêng biệt. Chẳng hạn, khi con mình là những đứa trẻ ngoan ngoãn, có tình yêu đẹp đẽ, trong sáng, thì các vị phụ huynh không cần thiết phải kiểm soát quá khắt khe, đặc biệt tránh những phương thức như đọc trộm thư, nghe trộm điện thoại… Bởi nếu bị phát hiện, điều đó sẽ khiến con cảm thấy không được tôn trọng, không được tin tưởng và dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc. Ngược lại, khi con trẻ có tính cách bướng bỉnh, anh cũng đồng tình với việc theo dõi con một cách sát sao để kịp thời bảo ban, chấn chỉnh.

Mai Nguyễn